Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Định hướng triển khai lộ trình, kế hoạch dừng công nghệ di động 2G

( Cập nhật lúc: 06/10/2022  )

Ngày 27/9/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Công văn số 4833/BTTTT-CVT về việc định hướng triển khai lộ trình, kế hoạch dừng công nghệ di động 2G.

Công nghệ di động thế hệ cũ 2G đã được triển khai tại Việt Nam gần 30 năm. Tuy nhiên, để thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025, cũng như Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó phát triển hạ tầng viễn thông đi trước một bước, trở thành hạ tầng cho kinh tế số, xã hội số, trong thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông và các doanh nghiệp đã triển khai các giải pháp thúc đẩy phổ cập điện thoại di động thông minh tới mỗi người dân, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch dừng công nghệ di động thế hệ cũ 2G để tối ưu hóa mạng lưới, tiết kiệm chi phí vận hành và dành băng tần cho các công nghệ di động thế hệ mới.

Giải pháp đầu tiên của kế hoạch tắt sóng 2G, 3G bằng hàng rào kỹ thuật là dừng nhập khẩu điện thoại thế hệ cũ.

Theo Quy hoạch Phổ tần số vô tuyến điện quốc gia, các băng tần 900/1800MHz được dành cho hệ thống thông tin di động IMT (băng tần cho hệ thống thông tin di động “3G”, “4G”, “5G”). Như vậy băng tần 900/1800MHz sẽ không được tiếp tục sử dụng cho hệ thống thông tin di động 2G sau khi giấy phép sử dụng các băng tần này hết thời hạn. Hiện nay, Bộ TT&TT đang xây dựng Quy hoạch sửa đổi Quy hoạch chi tiết băng tần số 900/1800MHz để phù hợp với Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia (sửa đổi Quyết định số 25/2008/QĐ-BTTTT ngày 16/4/2008 về quy hoạch chi tiết băng tần số 900/1800MHz). Quy hoạch này sẽ sớm được lấy ý kiến các tổ chức, doanh nghiệp và người dân.

Ngày 06/7/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm việc với đại diện Lãnh đạo các doanh nghiệp di động và cơ bản đã thống nhất về định hướng lộ trình dừng công nghệ di động 2G. Theo đó, Bộ TT&TT đề nghị các doanh nghiệp khẩn trương xây dựng kế hoạch chi tiết và triển khai việc dừng công nghệ di động 2G trên cơ sở một số định hướng như sau:

Kế hoạch dừng công nghệ 2G của doanh nghiệp có thể bắt đầu triển khai ngay với việc tắt dần các trạm 2G ở các khu vực có số thuê bao, lưu lượng 2G thấp, mục tiêu hoàn thành việc dừng công nghệ 2G chậm nhất vào tháng 9/2024 là thời điểm hết hạn giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông di động mặt đất và thời điểm hết hạn muộn nhất của giấy phép sử dụng băng tần số 2G (900MHz/1800MHz) để phù hợp với định hướng quy hoạch tần số vô tuyến điện. 

Việc triển khai kế hoạch dừng công nghệ 2G của doanh nghiệp phải bảo đảm vùng cung cấp dịch vụ thông tin di động mới sau khi dừng công nghệ 2G thay thế hoàn toàn được vùng cung cấp dịch vụ công nghệ 2G để cung cấp các dịch vụ thông tin di động liên tục, không gián đoạn; bảo đảm quyền lợi của người sử dụng dịch vụ khi dừng công nghệ 2G và tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan. 

Đẩy mạnh truyền thông tới khách hàng về kế hoạch dừng công nghệ 2G để thuê bao chủ động chuyển đổi thiết bị đầu cuối 2G, đồng thời, doanh nghiệp triển khai các giải pháp thúc đẩy, hỗ trợ chuyển đổi các thuê bao di động công nghệ 2G sang sử dụng điện thoại di động thông minh 4G/5G, phấn đấu đạt mục tiêu đến cuối năm 2023 chỉ còn dưới 5% thuê bao 2G. 

Để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh trên thị trường, các doanh nghiệp đề xuất và thực hiện thống nhất các chính sách quản lý, duy trì và phát triển thuê bao 2G tránh việc thuê bao 2G của mạng này chuyển sang mạng khác khi các doanh nghiệp triển khai tắt dần các trạm 2G tại các khu vực dừng công nghệ. 

Căn cứ các nội dung quy định và cam kết của doanh nghiệp tại giấy phép kinh doanh dịch vụ thông tin di động như số lượng trạm thu phát sóng, phạm vi cung cấp dịch vụ thông tin di động mặt đất, tỷ lệ phần trăm dân số có khả năng tiếp cận dịch vụ viễn thông di động theo các tiêu chuẩn công nghệ GSM, WCDMA, LTE-Advanced, đề nghị doanh nghiệp xây dựng kế hoạch chi tiết dừng công nghệ 2G và gửi về Bộ TT&TT trước ngày 20/10/2022./.


Nguyễn Thị Hải Yến