Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025

( Cập nhật lúc: 15/06/2021  )

Chính phủ số sẽ chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, doanh nghiệp giảm chi phí, tăng năng suất ca doanh nghiệp, tạo thuận lợi, mang lại sự hài lòng của người dân; để người dân, doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào hoạt động của cơ quan nhà nước để cùng tạo ra giá trị, lợi ích, sự hài lòng, niềm tin và đồng thuận xã hội.Chính phủ số chuyển đổi cách thức tổ chức, vận hành, môi trường làm việc và công cụ làm việc để cán bộ, công chức, viên chức có thể thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình.

Đây là mục tiêu tầm nhìn đến năm 2030 về xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT) hướng tới Chính phủ số (CPS) của nước ta vừa được Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phê duyệt tại Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 (Chiến lược). Đây lần đầu tiên Việt Nam ban hành một bản chiến lược để phát triển CPĐT và hướng tới xu thế mới trong quá trìnhChuyển đổi số (CĐS), đó là Chính phủ số.Nội dung Chiến lược đã thể hiện các quan điểm đột phá trong tư duy, cách làm để phát triển CPS.

Chính phủ số (Ảnh minh hoa, nguồn Internet)

Chiến lược xây dựng 05 nhóm mục tiêu đến năm 2025 gồm: Cung cấp dịch vụ chất lượng phục vụ xã hội; huy động rộng rãi sự tham gia của xã hội; vận hành tối ưu các hoạt động của cơ quan nhà nước; giải quyết hiệu quả các vấn đề lớn trong phát triển kinh tế-xã hội; thay đổi đột phá xếp hạng quốc gia, với các chỉ tiêu cần đạt là đưa Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu cả về chỉ số tổng thể, chỉ số tham gia điện tử cũng như chỉ số dữ liệu mở.

Trong đó, người dân, doanh nghiệp có thể sử dụng dịch vụ số theo nhu cầu cá thể hóa, theo suốt cuộc đời, khi cần, theo cách thuận tiện, trực tuyến hoặc trực tiếp, dễ dàng, đơn giản, nhanh chóng, không giấy tờ, không cần sự hiện diện nếu pháp luật không yêu cầu.

Mỗi người dân có danh tính số kèm theo mã QR code, tiến tới đều có điện thoại thông minh. Mỗi hộ gia đình có địa chỉ số, có khả năng truy cập Internet cáp quang băng rộng.

Mỗi người dân đều có hồ sơ số về sức khỏe cá nhân. Mỗi trạm y tế xã đều triển khai hoạt động quản lý trạm y tế xã trên môi trường số. Mỗi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đều triển khai tư vấn khám, chữa bệnh từ xa dựa trên nhu cầu thực tế. Mỗi bệnh viện, trung tâm y tế công đều triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, đơn thuốc điện tử. Công khai giá thuốc, giá trang thiết bị y tế, giá khám chữa bệnh.

Mỗi học sinh, sinh viên đều có hồ sơ số về việc học tập cá nhân. Mỗi cơ sở đào tạo đều triển khai hoạt động quản lý dạy và học trên môi trường số. Triển khai thanh toán học phí không dùng tiền mặt, học liệu số. Triển khai đại học số là quốc gia số thu nhỏ, thay đổi mô hình dạy và học để tối ưu hóa vận hành các cơ sở đào tạo đại học, tối ưu hóa trải nghiệm học tập của sinh viên và khuyến khích các mô hình đào tạo mới.

Cơ quan Nhà nước thiết kế mô hình tổ chức, cách thức vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số, tạo ra môi trường làm việc và công cụ làm việc để cán bộ, công chức, viên chức có thể thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình, kết nối và hợp tác với nhau dễ dàng hơn, đưa ra quyết định kịp thời hơn, ban hành chính sách tốt hơn, sử dụng nguồn lực tối ưu hơn...

6 nhiệm vụ trọng tâm quốc gia

Chiến lược đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm quốc gia, gồm: 1- Hoàn thiện môi trường pháp lý; 2- Phát triển hạ tầng số; 3- Phát triển các nền tảng số và hệ thống quy mô quốc gia; 4- Phát triển dữ liệu số quốc gia; 5- Phát triển các ứng dụng, dịch vụ quốc gia; 6- Bảo đảm an toàn, an ninh mạng quốc gia.

Trong đó, các cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ triển khai các dịch vụ cơ bản, thiết yếu liên quan đến người dân, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước cần được phát triển trước. Xác định dữ liệu về dân cư, đất đai, doanh nghiệp là dữ liệu trụ cột, cốt lõi cần phải hoàn thành, đưa vào khai thác sớm để dẫn dắt, liên kết, thống nhất toàn bộ dữ liệu trong cơ quan nhà nước về các ngành, lĩnh vực.

Xây dựng dữ liệu có phạm vi toàn quốc phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, ưu tiên dữ liệu trong các lĩnh vực quan trọng: hạ tầng không gian địa lý; bảo hiểm, y tế, an sinh xã hội; tài chính; căn cước; hộ tịch; giáo dục; đào tạo; cán bộ công chức, viên chức; nông nghiệp; lao động, việc làm; phương tiện giao thông, xây dựng, xuất nhập khẩu.

Cổng dịch vụ công quốc gia – thành phần không thể thiếu của Chính phủ điện tử

Phát triển, hoàn thiện Cổng Dịch vụ công quốc gia để người dân và doanh nghiệp có thể truy cập đến các dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương qua một địa chỉ duy nhất trên mạng, tích hợp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 của các bộ, ngành, địa phương theo lộ trình phù hợp theo Quyết định số 274/QĐ-TTg ngày 12/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa tạo môi trường thuận lợi thu hút mọi cơ quan, tổ chức, người dân và doanh nghiệp tham gia tích cực đóng góp và khai thác các tài nguyên tri thức số...

Nhiệm vụ trọng tâm của bộ, ngành, địa phương

CĐS là một quá trình. CPS là xu hướng mới trong thời đại hiện nay. Do đó, để thành công trong xây dựng CPS cần 1 thực hiện qua 1 quá trình lâu dài, bền bỉ với rất nhiều giải pháp tổng thể. Theo đó, Quyết định cũng nêu rõ nhiệm vụ trọng tâm của bộ, ngành, địa phương đó là: Trong đó, trong phạm vi ngành, lĩnh vực, địa bàn quản lý, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm phát triển hạ tầng mạng đáp ứng nhu cầu triển khai Chính phủ số tại bộ, ngành, địa phương theo hướng ưu tiên thuê dịch vụ, kết nối và sử dụng hiệu quả Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước.

Triển khai Trung tâm dữ liệu phục vụ Chính phủ số tại bộ, ngành, địa phương theo hướng sử dụng công nghệ điện toán đám mây, ưu tiên hình thức thuê dịch vụ chuyên nghiệp và thực hiện kết nối với nền tảng điện toán đám mây Chính phủ theo mô hình do Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn.

Phát triển hạ tầng Internet vạn vật (IoT) phục vụ các ứng dụng nghiệp vụ, chuyên ngành trong triển khai Chính phủ số gắn kết với phát triển đô thị thông minh tại các bộ, ngành, địa phương, ưu tiên hình thức thuê dịch vụ chuyên nghiệp, bảo đảm triển khai hiệu quả, tránh chồng chéo, tận dụng, kết hợp tối đa với hạ tầng của các tổ chức, cá nhân đã đầu tư.

Phát triển các dịch vụ công trực tuyến dựa trên nhu cầu người dân và theo các sự kiện trong cuộc đời, người dân chỉ cung cấp thông tin một lần, tận dụng sức mạnh của công nghệ để phát triển các dịch vụ số mới, đồng thời cắt giảm một số dịch vụ không cần thiết. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ trí tuệ nhân tạo trong cung cấp dịch vụ như trợ lý ảo, trả lời tự động. Triển khai các nội dung khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, trước hết xem xét để giảm chi phí và thời gian cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến.

Phát triển các dịch vụ đô thị thông minh phù hợp điều kiện, đặc thù, nhu cầu thực tế; ưu tiên phát triển trước các dịch vụ giải quyết các vấn đề bức thiết của xã hội tại các đô thị như tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường, phát triển du lịch, phát triển y tế, phát triển giáo dục, quản lý trật tự xây dựng và phải bảo đảm hiệu quả, tránh hình thức, lãng phí. Gắn kết các dịch vụ đô thị thông minh với các dịch vụ chính quyền số. Triển khai đô thị thông minh tuân thủ Khung tham chiếu ICT, Kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh.

Các bộ, ngành lựa chọn phát triển ứng dụng, dịch vụ quy mô quốc gia một cách phù hợp cho toàn ngành từ trung ương đến địa phương để tiết kiệm chi phí, thời gian triển khai. Dữ liệu được hình thành từ các ứng dụng, dịch vụ dùng chung được chia sẻ khi có nhu cầu....

Với tỉnh Bắc Kạn, quá trình xây dựng Chính quyền số đang ở giai đoạn đầu và đã đạt được một số kết quả nhất định như: Triển khai tập trung, đồng bộ nhữnh hệ thống thông tin lớn của tỉnh (Quản lý văn bản và hồ sơ công việc, cổng dịch vụ công, phần mềm một cửa điện tử, một cửa điện tử liên thông và dịch vụ công trực tuyến mức độ cao); tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử đạt 100%, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả xử lý công việc của các cơ quan nhà nước và tiết kiệm kinh phí hành chính của tỉnh (ước tính mỗi năm tiết kiệm hàng chục tỷ đồng); tỷ lệ cung cấp Dịch vụ công trực tuyến khá cao (71,78% TTHC của tỉnh); tỷ lệ hồ sơ TTHC trực tuyến năm sau cao hơn năm trước (Năm 2018 có 7.654 hồ sơ trực tuyến; Năm 2019 có 21.957 hồ sơ; Năm 2020 có 32.483 hồ sơ (năm 2020 cao hơn năm 2018 là 24.829 hồ sơ, cao hơn năm 2019 là 10.526 hồ sơ); 5 tháng đầu năm 2021 có 9.784 hồ sơ, đạt tỷ lệ 16,6%).

Hoạt động tập huấn, tuyên truyền về Chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu Chiến lược đã đề ra, tỉnh Bắc Kạn sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức trong việc chuyển đổi, nâng cấp những hệ thống, dữ liệu đã triển khai thành những hệ thống mới mang tính nền tảng, áp dụng các công nghệ mở hiện đại như IoT, điện toán đám mây, Chuỗi khối, …; bên cạnh đó, cần xây dựng đồng bộ, tập trung dữ liệu số nhằm tạo lập nguồn dữ liệu chính xác, đa dạng phục vụ cho cơ quan nhà nước, người dân và doanh nghiệp; cần thay đổi thói quen, tư duy của cán bộ công chức, người dân, doanh nghiệp, nâng cao kỹ năng số cho đội ngũ này nhằm đáp ứng yêu cầu hiện nay; quan tâm công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng, tạo lập niềm tin trong phát triển Chính quyền số ...

Việc triển khai Chiến lược cùng với những giải pháp chỉ đạo khác như Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Kiến trúc Chính phủ điện tử, Khung Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh, … thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tích cực tham mưu UBND tỉnh đề ra các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp để từng bước xây dựng Chính quyền điện tử, hướng tới Chính quyền số của tỉnh./.

Hà Hồng Cương