Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Đề cương tuyên truyền Kỷ niệm 25 năm Ngày tái lập tỉnh Bắc Kạn (01/01/1997 - 01/01/2022)

( Cập nhật lúc: 20/12/2021  )

ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN

KỶ NIỆM 25 NĂM NGÀY TÁI LẬP TỈNH BẮC KẠN

(01/01/1997 - 01/01/2022)

 

I. KHÁI QUÁT QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

Bắc Kạn thuộc vùng trung du và miền núi phía Bắc; giáp ranh với các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, cách Thủ đô Hà Nội 170 km. Tỉnh có 07 huyện, 01 thành phố với 108 xã, phường, thị trấn.Diện tích đất tự nhiên là 4.860 km2, dân số 316,5 nghìn người, mật độ dân số 65,1 người/km2. Là tỉnh nằm sâu trong nội địa, giao thông đường bộ là hệ thống kết nối chung nhất hiện nay của tỉnh với các tỉnh lân cận.Bắc Kạn có 07 dân tộc chính sinh sống, gồm: Tày, Nùng, Kinh, Dao, Mông, Hoa và Sán Chay. Trong đó, dân tộc thiểu số chiếm hơn 88%. Mỗi dân tộc ở Bắc Kạn dù trình độ phát triển kinh tế - xã hội không đồng đều, số lượng nhiều ít khác nhau, nhưng đều có sắc thái văn hóa độc đáo, tạo nên bức tranh văn hóa nhiều màu sắc. Bắc Kạn được thiên nhiên ưu đãi, có hồ Ba Bể - di tích quốc gia đặc biệt, là một trong 20 hồ nước ngọt lớn trên thế giới; với diện tích rừng che phủ lớn nhất cả nước; Bắc Kạn có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và có thể phát triển bất động sản nghỉ dưỡng tiềm năng trong các tỉnh miền núi phía Bắc.

Tỉnh Bắc Kạn chính thức được thành lập từ ngày 11/4/1900, khi Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định tách một phần đất thuộc tỉnh Thái Nguyên thành lập tỉnh Bắc Kạn gồm bốn châu: Bạch Thông, Chợ Rã, Thông Hoá (sau đổi thành Na Rì) và Cảm Hoá (sau đổi thành Ngân Sơn).

Trong quá trình kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trước yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới, ngày 21/4/1965, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn việc hợp nhất hai tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên thành tỉnh Bắc Thái.

Nghị quyết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa VI (29/12/1978) đã phê chuẩn việc phân vạch lại địa giới hành chính một số tỉnh, thành phố, trong đó có tỉnh Bắc Thái. Do vậy, hai huyện Ngân Sơn, Chợ Rã (Ba Bể) thuộc tỉnh Bắc Thái được tách ra và nhập vào tỉnh Cao Bằng.

Trước yêu cầu và nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới, ngày 06/11/1996, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội (khóa IX) ra Nghị quyết chia tỉnh Bắc Thái để tái lập tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên. Đồng thời, chuyển 02 huyện Ngân Sơn, Ba Bể của tỉnh Cao Bằng trở về tỉnh Bắc Kạn. Bộ Chính trị đã ra Quyết định thành lập Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn và chỉ định Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh gồm 35 đồng chí; Ban Thường vụ Tỉnh ủy lâm thời gồm 11 đồng chí.

Ngày 01/01/1997, Lễ tái thành lập tỉnh Bắc Kạn được tổ chức long trọng tại thị xã Bắc Kạn. Đây là một sự kiện chính trị quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn. Việc tái lập Tỉnh là cơ hội tốt để Bắc Kạn phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Khi mới tái lập tỉnh Bắc Kạn gặp rất nhiều khó khăn: Tình hình kinh tế - xã hội kém phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm do đặc trưng là kinh tế thuần nông; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chưa phát triển. Thu ngân sách thấp, chưa đáp ứng 10% nhu cầu chi toàn tỉnh. Cơ sở vật chất, kỹ thuật, hạ tầng thấp kém, nhà cửa, phương tiện làm việc, đi lại thiếu thốn, đường giao thông khó khăn. Toàn tỉnh có 05 huyện, 01 thị xã và 112 xã, phường, thị trấn, trong đó có 16 xã chưa có đường ô tô, 16 xã khác ô tô chỉ đến được trong mùa khô; 02 huyện và 102 xã chưa có điện lưới quốc gia, 93 xã chưa có điện thoại. Trình độ dân trí thấp với 36% số xã chưa đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ; đời sống còn nhiều khó khăn, nhiều tập tục và canh tác còn lạc hậu, tỷ lệ đói nghèo trên 50% số hộ dân. Bộ máy tổ chức các cơ quan mới bắt đầu củng cố, sắp xếp đi vào hoạt động vừa thiếu, vừa không đồng bộ. Trong 112 xã, phường, thị trấn có 103 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn.

Thực hiện Nghị quyết số 892/NQ-UBTVQH13, ngày 11/3/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập 02 phường Xuất Hóa, Huyền Tụng và thành phố Bắc Kạn, toàn tỉnh có 08 đơn vị hành chính cấp huyện (01 thành phố, 07 huyện) và 122 đơn vị hành chính cấp xã (110 xã, 06 phường, 06 thị trấn). Từ 01/02/2020, sau khi tiến hành sắp xếp lại theo Nghị quyết số 855/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh Bắc Kạn sẽ giảm từ 122 xã, phường, thị trấn xuống còn 108 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 96 xã, 06 phường và 06 thị trấn).

Sau 25 năm tái lập, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành Trung ương, Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong tỉnh phát huy truyền thống quê hương căn cứ địa cách mạng, đoàn kết nhất trí, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, lao động cần cù, sáng tạo, nỗ lực vươn lên đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng- an ninh, công tác xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể.

II. THÀNH TỰU NỔI BẬT CỦA TỈNH SAU 25 NĂM TÁI LẬP

1. Phát triển kinh tế

1.1. Tăng trưởng kinh tế

Tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh bình quân giai đoạn 1997-2021 ước đạt 7,7%/năm, trong đó: khu vực Nông lâm nghiệp - Thủy sản tăng bình quân 5,2%/năm; khu vực Công nghiệp - Xây dựng tăng bình quân 13,6%/năm (công nghiệp tăng trưởng 11,3%/năm và xây dựng tăng 15,6%/năm); khu vực Dịch vụ tăng 10,1%/năm.

Quy mô nền kinh tế của tỉnh (GRDP theo giá hiện hành) sau 25 năm tăng lên gần 37 lần, từ 362 tỷ đồng năm 1997 tăng lên hơn 13.379 tỷ đồng năm 2021. Thu nhập bình quân trên đầu người được cải thiện đáng kể, cụ thể: năm 1997, GRDP bình quân đầu người chỉ đạt 1,25 triệu đồng/người, sau 10 năm tăng lên 5,16 triệu đồng/người vào năm 2007, sau 20 năm tăng lên 32,41 triệu đồng/người vào năm 2017 và sau 25 năm, đến năm 2021 ước đạt 41,9 triệu đồng/người, tăng gần 31 lần sau khi tái lập tỉnh.

Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng tích cực, từ một tỉnh thuần túy phát triển nông, lâm nghiệp, Bắc Kạn đã phát triển khá ở các khu vực kinh tế, đặc biệt là khu vực dịch vụ và bước đầu hình thành, tạo nền tảng phát triển cho khu vực công nghiệp xây dựng: Cụ thể, tỷ trọng khu vực nông – lâm nghiệp đã giảm từ 60,9% năm 1997 xuống còn 29,8% năm 2021; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng từ 9,5% năm 1997 lên 14,7% năm 2021; khu vực dịch vụ tăng mạnh từ 29,6% năm 1997 lên 52,4% năm 2021.

Quy mô dân số của tỉnh tăng dần qua các năm, từ 265,2 nghìn người năm 1994 lên gần 319 nghìn người năm 2021; lực lượng lao động ngày càng tăng về số lượng và chất lượng. Cơ cấu lao động của tỉnh đã có bước chuyển dịch theo cơ cấu kinh tế, tuy nhiên, tốc độ chuyển dịch chậm hơn, đến nay tỷ lệ lao động trong từng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản - công nghiệp, xây dựng - dịch vụ lần lượt tương ứng là 66,7% - 7,7% - 25,6%.

Trên cơ sở tăng trưởng kinh tế khá, nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Cụ thể, năm 1997 thu ngân sách 16,7 tỷ đồng, đến năm 2021 ước đạt 742,5 tỷ đồng, tăng 44,5 lần so với năm 1997 (số tăng tuyệt đối 575,5 tỷ đồng).

1.2. Phát triển nông, lâm nghiệp – thủy sản

Xác định nông, lâm nghiệp là thế mạnh, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nên tốc độ phát triển của ngành luôn ổn định. Quy mô ngành nông, lâm nghiệp của tỉnh năm 2021 ước đạt trên 3.987 tỷ đồng, tăng 18 lần so với năm 1997 và chiếm 29,8% trong cơ cấu kinh tế chung của tỉnh, giảm 31,1% so với năm 1997. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 1997-2021 ước đạt 5,2%/năm.

Đến nay, tổng diện tích sản xuất cây lương thực đạt trên 37,2 nghìn ha; năng suất và sản lượng các cây trồng tăng đều; tổng sản lượng lương thực có hạt hàng năm đều đạt trên 175 nghìn tấn; tăng gấp 2 lần so với năm 1997; lương thực bình quân đầu người từ 305 kg năm 1977 tăng lên 562 kg năm 2021. Toàn tỉnh hiện có trên 4.000 ha lúa chất lượng; thực hiện chuyển đổi được hơn 1.700 ha từ đất trồng lúa, ngô sang cây trồng có giá trị kinh tế cao. Diện tích đất canh tác đạt thu nhập 50 triệu, 70 triệu và 100 triệu đồng/ha trở lên hàng năm luôn đạt và vượt kế hoạch, đến nay có 3.340 ha đạt 100 triệu đồng/ha trở lên. Tỉnh đã quy hoạch, phát triển vùng sản xuất tập trung một số cây trồng chủ lực, lợi thế, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, như: Gạo bao thai, Khẩu nua lếch, dong riềng, thuốc lá, cây dược liệu, cam quýt, hồng không hạt, chè….

Toàn tỉnh hiện có 314 cơ sở chế biến nông, lâm sản (chế biến tinh bột, sản xuất miến dong; chế biến nghệ) và 10 nhà máy/xưởng sản xuất hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông, lâm sản. Đến nay, nhiều sản phẩm nông, lâm sản có thị trường ổn định như miến dong, curcumin nghệ.

Tổng đàn vật nuôi tăng qua các năm, sản lượng thịt hơi tăng mạnh, đến năm 2021 ước đạt hơn 24 nghìn tấn, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Toàn tỉnh hiện nay có 27 trang trại chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ và 06 chuỗi liên kết chăn nuôi.

Thực hiện chủ trương phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, sản xuất lâm nghiệp đã có bước phát triển mạnh, tổng diện tích rừng trồng mới trong giai đoạn 1997-2021 đạt trên 157 nghìn ha (bao gồm cả diện tích rừng trồng mới, trồng lại sau khai thác và trồng cây phân tán); trong đó, có 921 ha rừng được cấp chứng chỉ rừng FSC; độ che phủ rừng tỉnh tăng lên 73,4% năm 2021, đưa Bắc Kạn trở thành một trong những tỉnh có độ che phủ rừng cao nhất toàn quốc.

Công tác trồng, quản lý và bảo vệ rừng được thực hiện tương đối tốt. Hoạt động khai thác, mua bán, vận chuyển, chế biến lâm sảnđược quản lý chặt chẽ, từng bước đi vào nề nếp. Công tác khoanh nuôi rừng, khoán bảo vệ rừng, chăm sóc rừng được thực hiện theo đúng kế hoạch. Chất lượng rừng phòng hộ được nâng lên. Công tác quản lý, bảo vệ, nghiên cứu, bảo tồn hệ sinh thái rừng đặc dụng, bảo vệ quỹ gen, bảo đảm đa dạng sinh học được quan tâm.

Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới được thực hiện thường xuyên, kịp thời theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" đã khuyến khích người dân tham gia nhiệt tình từ khâu lập, tổ chức triển khai, giám sát và sử dụng công trình, dự án góp phần nâng cao chất lượng các công trình hạ tầng nông thôn. Dự kiến đến hết năm 2021, cả tỉnh có 21/96 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân cả tỉnh đạt 13 tiêu chí/xã; có 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 49 thôn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và thành phố Bắc Kạn là đơn vị cấp huyện đầu tiên của tỉnh được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Bắc Kạn triển khai Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) từ năm 2018. Sau gần 04 năm triển khai, tỉnh Bắc Kạn đã có 131 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên và cũng là tỉnh đứng trong top đầu cả nước về thực hiện Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm”. Đến nay, 100% các sản phẩm OCOP của tỉnh đã có bao bì đẹp, thông tin đầy đủ theo quy định

1.3. Phát triển công nghiệp

Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 100 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, hợp tác xã và hơn 400 hộ sản xuất cá thể; với tổng số 5.411 lao động; trong đó có 29 doanh nghiệp khai khoáng và chế biến khoáng sản, với tổng số 1.582 lao động; doanh nghiệp chế biến chế tạo, sản xuất nông lâm sản, vật liệu xây dựng có tổng số 63 doanh nghiệp, hợp tác xã và hơn 400 hộ sản xuất cá thể với tổng số hơn 3.000 lao động; doanh nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt…Có 04 doanh nghiệp, với tổng số 556 lao động; doanh nghiệp cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải có 04 doanh nghiệp với tổng số 273 lao động.

Sau 25 năm (1997-2022), ngành công nghiệp của tỉnh đã có những tăng trưởng nhất định, Quy mô ngành công nghiệp của tỉnh năm 2021 đạt gần 950 tỷ đồng, tăng 62 lần so với năm 1997 (năm 1997 đạt 19 tỷ đồng). Cơ cấu ngành công nghiệp chuyển dịch mạnh mẽ; năng lực sản xuất công nghiệp của tỉnh so với năm 1997 nâng lên rõ rệt, có nhiều tiến bộ, nhiều cơ sở, nhà máy sản xuất công nghiệp được đầu tư và đi vào hoạt động ổn định, tạo tiền đề cho phát triển công nghiệp trong những năm tiếp theo.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 01 khu công nghiệp - Khu công nghiệp Thanh Bình giai đoạn I đã hoàn thành và cơ bản được lấp đầy và đang chuẩn bị đầu tư giai đoạn II; có 06 cụm công nghiệp được phê duyệt thành lập, đang triển khai các bước, thủ tục đầu tư.

1.4. Phát triển các ngành dịch vụ

Khu vực dịch vụ là khu vực ổn định, tăng trưởng và chiếm tỷ trọng cao nhất trong 3 khu vực kinh tế. Quy mô ngành dịch vụ của tỉnh năm 2021 đạt trên 7.000 tỷ đồng; tăng 65 lần so với với năm 1997 (năm 1997 đạt 107 tỷ đồng).

Những năm qua, tỉnh đã quan tâm thu hút, kêu gọi, cải tạo, nâng cấp và xây mới hệ thống hạ tầng thương mại. Thị trường từng bước được mở rộng với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, hàng hóa ngày càng phong phú, đa dạng, lưu thông thuận lợi đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân, góp phần ổn định giá cả thị trường thúc đẩy sản xuất phát triển. Tổng mức bán lẻ hàng hóa doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh năm 2021 đạt 6.300 tỷ đồng, tăng 33 lần so với năm 1997.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của tỉnh hiện nay đang có xu hướng gia tăng, đến năm 2021 ước đạt 28 triệu USD, trong đó, xuất khẩu ước đạt 20,5 triệu USD, nhập khẩu ước đạt 7,5 triệu USD. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là: Bột kẽm sun phát, ván dán, đũa gỗ, hoa quả qua sơ chế; mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là: Ván mỏng, túi giấy, vener, máy móc. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Cộng hòa Séc, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc.

Bắc Kạn có nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên, văn hóa đa dạng, phong phú, là những tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch. Tỉnh đã chú trọng khai thác tiềm năng, lợi thế, tập trung cho công tác phát triển du lịch. Tổng lượt khách du lịch đến tỉnh giai đoạn 1997-2021 là trên 4.000 nghìn lượt; năm 2021 đạt 109 nghìn lượt khách (năm 2019, khi chưa bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tổng lượng khách du lịch của tỉnh đạt 484,7 nghìn, tăng 25 lần so với năm 1997). Tốc độ tăng doanh thu du lịch của tỉnh bình quân đạt 20%/năm.

Hiện nay, tỉnh đã và đang đầu tư khai thác và phát triển một số loại sản phẩm du lịch chính gồm: Du lịch sinh thái; du lịch văn hóa lịch sử, du lịch về nguồn; du lịch văn hóa tâm linh; du lịch cộng đồng; du lịch lễ hội gắn với nghề thủ công truyền thống; du lịch tìm hiểu văn hóa văn nghệ dân gian; du lịch mạo hiểm, leo núi. Song song với việc đầu tư phát triển sản phẩm du lịch, việc bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh cũng được quan tâm đầu tư. Tỉnh đã triển khai, đổi mới các hoạt động công tác quảng bá, xúc tiến, liên kết, hợp tác phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, góp phần tích cực trong việc tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về miền đất, con người, tiềm năng văn hóa, du lịch của tỉnh đến với các nhà đầu tư, du khách trong và ngoài nước; và tăng cường bảo vệ tài nguyên, giữ gìn vệ sinh môi trường tại các khu, điểm du lịch.

Hệ thống mạng lưới chi nhánh ngân hàng trên địa bàn ngày càng mở rộng và phát triển. Đến nay, cả tỉnh có 04 Chi nhánh Ngân hàng thương mại tỉnh, 01 Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội; 07 Chi nhánh cấp 2; 34 Phòng giao dịch; 108 điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội; 05 chương trình, dự án tài chính vi mô; 01 Phòng giao dịch Ngân hàng Phát triển. Tổng huy động vốn đến hết năm 2021 ước đạt 10.250 tỷ đồng, tổng dư nợ ước đạt 10.430 tỷ đồng. Các chương trình tín dụng đã hỗ trợ, bổ sung vốn đầu tư cho sản xuất nông, lâm nghiệp, kinh doanh dịch vụ, thương mại, các dự án công nghiệp của tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa phương.

1.5. Phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã và năng lực cạnh tranh của tỉnh

Thực hiện chủ trương của Nhà nước, tỉnh đã thực hiện chuyển đổi, sắp xếp các doanh nghiệp Nhà nước trên địa bàn tỉnh; thực hiện cổ phần hóa được 12 doanh nghiệp Nhà nước, sắp xếp lại 02 doanh nghiệp Nhà nước; thực hiện thoái vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước giữ một phần vốn điều lệ. Đến nay, toàn tỉnh còn 03 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và 01 doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu dưới 50% vốn điều lệ.

Các doanh nghiệp ngoài nhà nước trên địa bàn tỉnh đã không ngừng lớn mạnh, phát triển và có nhiều đóng góp quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đến hết năm 2021 cả tỉnh có hơn 1.100 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 15.200 tỷ đồng. Các doanh nghiệp đã phát triển cả về số lượng và quy mô vốn đầu tư, một số doanh nghiệp đã khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Cùng với sự phát triển của kinh tế nhà nước và kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể và kinh tế cá thể ngày càng mở rộng và đổi mới. Đến năm 2021, toàn tỉnh có hơn 300 hợp tác xã, có 01 liên hiệp hợp tác xã hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012

Trong những năm qua, tỉnh đã triển khai thực hiện các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tăng đều qua các năm, những năm gần đây điểm số có xu hướng sát lại gần hơn so với mức điểm trung bình của vùng trung du miền núi phía Bắc và trung bình cả nước.

Ngoài ra, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế ưu đãi, thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp với các dự án phát triển nông, lâm nghiệp và du lịch thông qua các nghị quyết của HĐND tỉnh. Đến hết năm 2021, trên địa bàn tỉnh có hơn 148 dự án đầu tư. Các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh chủ yếu là các dự án khai thác, chế biến khoáng sản; chế biến nông, lâm sản; sản xuất vật liệu xây dựng, du lịch, thủy điện…

1.6. Về kết cấu hạ tầng hạ tầng kinh tế - xã hội

Kết cấu hạ tầng, giao thông, thủy lợi, điện, thông tin liên lạc, nước sạch, trường học, trạm y tế, các cơ sở dịch vụ,…Được quan tâm, chú trọng đầu tư. Một số dự án trọng điểm đã hoàn thành, đưa vào sử dụng góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Sau 25 năm, mạng lưới giao thông vận tải của Tỉnh đã có nhiều chuyển biến rõ nét. Đến nay, mạng lưới giao thông toàn tỉnh phát triển được trên 3.000 km đường, gồm 04 tuyến quốc lộ, 14 tuyến đường tỉnh, 49 tuyến đường huyện và hệ thống đường xã, thôn, bản; có 01 tuyến đường thủy nội địa địa phương sông Năng - hồ Ba Bể dài 38,4 km. Lĩnh vực vận tải hàng hoá, hành khách phát triển mạnh mẽ, cơ bản đã đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, tạo thuận lợi cho giao thương phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Hệ thống hạ tầng cung cấp điện của tỉnh luôn được đầu tư, nâng cấp, cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân, đến nay có 100% số xã có điện lưới quốc gia; tỷ lệ số hộ sử dụng điện lưới quốc gia đạt 97,39%; 04 nhà máy thủy điện đang vận hành phát điện với tổng công suất 15,6MW và 2 công trình thủy điện đang đầu tư. Nhìn chung, với sự phát triển hệ thống lưới điện đã cơ bản đảm bảo cho việc sinh hoạt và sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Hệ thống thủy lợi được đầu tư tương đối kiên cố. Toàn tỉnh có 2.415 công trình thủy lợi; chiều dài kênh mương là 2.328 km, diện tích đất được tưới và tiêu nước chủ động đạt 87%.

Hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh đã có sự biến chuyển mạnh mẽ phù hợp với phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Các loại hình kinh doanh hiện đại ngày càng mở rộng, phát triển đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn. Trên địa bàn tỉnh hiện có tổng số 65 chợ (gồm: 01 chợ hạng 1, 04 chợ hạng 2 và 60 chợ hạng 3); có 01 Trung tâm thương mại VincomPlaza hạng 3 và 02 siêu thị hạng 3 đang hoạt động kinh doanh; ngoài ra tại các địa bàn trung tâm thị trấn, thị tứ, thành phố còn hình thành mạng lưới kinh doanh cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tự chọn, cửa hàng kinh doanh tổng hợp...Sự hình thành của các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh đã góp phần tạo nên diện mạo mới cho thương mại bán lẻ trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao văn minh thương mại và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, đặc biệt trên địa bàn tỉnh.

Hạ tầng du lịch được nhà nước và người dân quan tâm đầu tư. Trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có 225 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 25 khách sạn (có 01 khách sạn 3 sao), 200 nhà nghỉ du lịch và nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê với tổng số 2.173 phòng, buồng và 3.673 giường; 2.000 nhà hàng ăn uống; hơn 200 cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe; có 10 đơn vị, doanh nghiệp tham gia hoạt động kinh doanh du lịch và 03 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh lữ hành du lịch.

Hệ thống hạ tầng cho phát triển văn hóa – xã hội được đầu tư gắn với thực hiện các chương trình mục tiêu, chương trình mục tiêu quốc gia. Hệ thống thiết chế văn hóa được đầu tư cơ bản đáp ứng nhu cầu và từng bước phát huy, thúc đẩy phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục thể thao ở cơ sở phát triển với 01 nhà văn hóa tỉnh, 01 nhà thi đấu thể dục - thể thao, 01 nhà rạp, 08 trung tâm văn hóa, thể thao và truyền thông, 31/108 xã, phường có nhà văn hóa, 1.207/1.310 thôn có nhà văn hóa thôn. Mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của người dân trên địa bàn tỉnh; tỷ lệ kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên tăng đều qua các năm. Hệ thống y tế được đầu tư ở tất cả các cấp với 01 bệnh viện tuyến tỉnh, 08/08 bệnh viện tuyến huyện, thành phố và 108xã, phường, thị trấn có trạm y tế (trong đó dự kiến đến hết năm 2021 có 106 xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã). Hệ thống hạ tầng an sinh xã hội được đầu tư góp phần nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, tạo việc làm và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn với 19 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Hạ tầng bưu chính phát triển rộng khắp với 136 điểm phục vụ bưu chính, 100% xã có báo, tạp chí được phát trong ngày đến trụ sở xã; mạng lưới viễn thông đã kết nối thông suốt 03 cấp phục vụ tốt công tác chỉ đạo, điều hành của đơn vị, địa phương, 100% xã, phường, thị trấn được phủ sóng di động 2G/3G/4G, mật độ điện thoại đạt 51 máy/100 dân, mật độ thuê bao internet đạt 62 thuê bao/100 dân.

Toàn tỉnh hiện nay có 09 đô thị gồm: 1 đô thị loại III là thành phố Bắc Kạn; 08 đô thị loại V, gồm 05 thị trấn huyện lỵ, 01 thị trấn khu vực và 02 trung tâm huyện lỵ, tỷ lệ đô thị hóa đạt 22%. Mạng lưới đô thị ngày càng phát triển gắn với sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; các đô thị được đầu tư xây dựng tương đối hoàn chỉnh, đồng bộ hạ tầng giao thông, cấp thoát nước, điện chiếu sáng, trụ sở cơ quan, các công trình y tế, văn hóa, giáo dục, thương mại, dịch vụ công cộng, công trình thể thao,…Đáp ứng tiêu chuẩn và chức năng của đô thị là trung tâm tỉnh lỵ, huyện lỵ và thị trấn khu vực; tỷ lệ cấp nước đô thị và khu công nghiệp đạt 90%; tỷ lệ thoát nước đô thị đạt 50%; tỷ lệ xử lý nước thải đô thị đạt 30%; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị 90,18%; tỷ lệ chiếu sáng đô thị đạt 90%; có 2 đô thị có nghĩa trang.

2. Phát triển văn hóa – xã hội

2.1. Phát triển văn hóa và thể thao

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” đã được triển khai đồng bộ và có bước phát triển mạnh. Đến hết năm 2021, cả tỉnh dự kiến có 88,3% hộ gia đình văn hóa; có 89% làng, bản, thôn xóm, ấp, khu phố đạt chuẩn văn hóa và 63% xã, phường đạt chuẩn văn minh đô thị; 100% người dân được xem truyền hình và được nghe đài phát thanh.

Hiện nay, toàn tỉnh có 02 di tích quốc gia đặc biệt, 07 di tích Quốc gia, 49 di tích cấp tỉnh và 94 di tích kiểm kê chưa xếp hạng. Công tác bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể và bảo tồn tiếng nói, chữ viết dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được thực hiện tốt. Năm 2019, UNESCO đã công nhận hồ sơ "Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái Việt Nam" là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Phong trào thể dục thể thao lan tỏa sâu rộng, tỷ lệ người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên tăng lên hàng năm; 100% các cơ sở giáo dục của tỉnh đều có sân chơi, sân tập luyện TDTT. Công tác phát triển thể thao thành tích cao được quan tâm đầu tư. Tỉnh duy trì phát triển từ 03 - 05 môn thể thao trọng điểm với tổng số 40 đến 50 vận động viên (VĐV).

2.2. Phát triển giáo dục và đào tạo

Công tác giáo dục và đào tạo có nhiều chuyển biến, tiến bộ, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh có 302 trường học các cấp, trong đó đến hết năm 2021 dự kiến có 104 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Tỉnh đã hoàn thành phổ cập giáo dục trẻ mầm non 05 tuổi vào năm 2015, đến năm 2021 có 100% xã, phường, thị trấn và huyện, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục trẻ mầm non 05 tuổi và đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1 trở lên; 100% đơn vị huyện/thành phố duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở; tỉnh duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1. Chất lượng giáo dục các cấp ngày càng nâng lên.

2.3. Về phát triển y tế

Hệ thống mạng lưới y tế cơ sở được củng cố, kiện toàn và phát triển, Đến nay, cả tỉnh đạt 36,6 giường bệnh trên một vạn dân, có 17,5 bác sĩ/vạn dân; tỷ lệ trẻ em dưới 05 tuổi bị suy dinh dưỡng chiều cao/tuổi giảm còn 27,5% và tỷ lệ trẻ em dưới 05 tuổi bị suy dinh dưỡng cân nặng/tuổi giảm còn 17,1%; trên 97% dân số tham gia bảo hiểm y tế.

Các chương trình mục tiêu y tế được triển khai đúng tiến độ, có hiệu quả và thực hiện hoàn thành cơ bản các mục tiêu. Tỉnh đã thành lập mới một số trung tâm chuyên môn tuyến tỉnh theo quy định. Công tác khám, chữa bệnh được duy trì, củng cố, chất lượng khám, chữa bệnh ngày càng được nâng cao, 100% các cơ sở khám chữa bệnh công lập đều đủ điều kiện khám chữa bệnh BHYT, 09/09 cơ sở y tế đều đạt mức chất lượng khá.Tuổi thọ trung bình của tỉnh đạt khoảng 78,9 tuổi, trong đó đối với nam là 75,8 và nữ là 81,8 tuổi.

2.4. Phát triển nguồn nhân lực, tạo việc làm và đảm bảo an sinh xã hội

Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm đã được cấp ủy và chính quyền các cấp của tỉnh đặc biệt quan tâm. Tỉnh đã tích cực chỉ đạo thực hiện chương trình giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động và các chương trình, dự án về đào tạo nghề. Bình quân hàng năm thực hiện đào tạo nghề cho hơn 5.000 lao động, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh lên 46%; góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, chuyển dịch cơ cấu lao động trên địa bàn tỉnh.

Các chương trình giảm nghèo được tỉnh tổ chức thực hiện tốt, đảm bảo mục tiêu giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều chung toàn tỉnh đến cuối năm 2020 là 18,5% (theo chuẩn nghèo đa chiều), cao hơn 1,83 lần mức tỷ lệ hộ nghèo chung của vùng và cao hơn 6,73 lần so toàn quốc; dự kiến năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm thêm 2-2,5% theo chuẩn nghèo mới.

Công tác chăm sóc các đối tượng có công với cách mạng được triển khai với nhiều hoạt động thiết thực, đến nay, đảm bảo 95% hộ gia đình chính sách có mức sống từ trung bình trở lên và 100% các xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh. Công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em, phụ nữ được thực hiện theo quy định. Hiện nay, 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế và khám, chữa bệnh miễn phí theo quy định; 80% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội; trên 90% xã, phường đạt tiêu chuẩn xã, phường phù hợp với trẻ em.

2.5. Thông tin và Truyền thông

Hạ tầng và các dịch vụ bưu chính, viễn thông có bước phát triển mạnh mẽ, hiện đại, đa dạng, ngày càng mở rộng phạm vi và nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng. Đến nay, 100% xã có điểm bưu chính, 100% xã có hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ đến hộ gia đình và được phủ sóng di động và Internet; tỷ lệ số người sử dụng điện thoại thông minh đạt 75%.

Hoạt động báo chí, truyền thông không ngừng được nâng cao chất lượng cả về nội dung và hình thức, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thông tin của nhân dân. Hiện nay, 7,4% số xã có đài truyền thanh cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông.

2.6. Công tác dân tộc và tôn giáo

Các chương trình, chính sách dân tộc được triển khai thực hiện hiệu quả, đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc thiểu số toàn tỉnh là 17,14%. Hệ thống kết cấu hạ tầng vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được chú trọng đầu tư. Đến nay, phần lớn các đường giao thông từ trung tâm xã đến trung tâm huyện đã được cứng hóa với tỷ lệ ki lô mét được cứng hóa đạt 97%; có 1.123 thôn (chiếm 79% các thôn vùng DTTS) đã có đường giao thông đến trung tâm xã được cứng hóa. Tỉnh đã quan tâm, bảo tồn và phát huy các truyền thông văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn: Số lượng di sản văn hóa phi vật thể đồng bào dân tộc thiểu số được bảo tồn, phát huy đến nay là 291 di sản; 9,0% người DTTS từ 05 tuổi trở lên biết văn hóa truyền thống; 0,57% người DTTS biết nhạc cụ dân tộc; 5,43% biết bài hát truyền thống và 3,01% biết các điệu múa truyền thống.

Công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động tôn giáo luôn được các cấp chính quyền quan tâm, thực hiện có hiệu quả. Ngành chức năng đã hướng dẫn các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, đúng quy định của pháp luật. Tỉnh hiện có 03 tổ chức tôn giáo hoạt động với 18.215 người theo, chiếm 5,9% dân số toàn tỉnh, có 04 cơ sở tôn giáo và 112 nhà mượn sinh hoạt tôn giáo. Tỉnh thường xuyên tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; tổ chức thăm hỏi, tặng quà, động viên chức sắc, chức việc các tôn giáo nhân dịp lễ trọng, dịp tết cổ truyền; tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện chính sách pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Qua đó, tình hình an ninh, chính trị tôn giáo trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định.

3. Khoa học - công nghệ và Tài nguyên – Môi trường

3.1. Phát triển khoa học và công nghệ

Ngành khoa học và công nghệ của tỉnh đã tập trung đầu tư nhiều nguồn lực để xây dựng, triển khai các đề tài, dự án khoa học công nghệ. Hệ thống quản lý chất lượng ISO được triển khai, duy trì thực hiện có hiệu quả; công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, an toàn bức xạ hạt nhân, thông tin tư liệu, sở hữu trí tuệ, công nghệ và thị trường công nghệ từng bước được tăng cường, góp phần tích cực trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hiện nay, toàn tỉnh có 12,1 nghìn lao động hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ, chiếm 3,8% dân số. Trong năm 2021, tỉnh Bắc Kạn triển khai 37 nhiệm vụ khoa học và công nghệ, trong đó có 31 nhiệm vụ cấp tỉnh và 06 nhiệm vụ cấp quốc gia

3.2. Bảo vệ tài nguyên môi trường

Công tác quản lý và bảo vệ tài nguyên nước luôn được các cấp, các ngành quan tâm nên đã có những bước chuyển biến tích cực. Đến nay, tỷ lệ sử dụng nước sạch của dân cư thành thị đạt 73,2%; tỷ lệ sử dụng nước hợp vệ sinh của dân cư nông thôn đạt 98,5%.

Công tác quản lý và bảo vệ môi trường trong những năm qua được các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải rắn sinh hoạt đô thị đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn đến nay đạt 91%; 01/01 khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn; đã hoàn thành xử lý 06/10 cơ sở gây ô nhiêm môi trường nằm trong danh mục; 100% cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh có các thông số phân tích đạt tiêu chuẩn về môi trường; 60,7% đô thị loại 4 trở lên có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 55,5% chất thải rắn thông thường được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường được xử lý; 93,5% chất thải nguy hại được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường được xử lý; 100% chất thải y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường được xử lý. Trên địa bàn tỉnh, 8/8 khu xử lý chất thải rắn quy mô cấp huyện sử dụng phương pháp đốt kết hợp chôn lấp để xử lý rác thải; có 01 trạm xử lý nước thải sinh hoạt (tại thành phố Bắc Kạn) đạt tiêu chuẩn theo quy định.

Công tác quản lý đất đai được triển khai thực hiện toàn diện trên tất cả các nội dung, như: Tổ chức khảo sát, đo đạc, lập bản đồ địa chính, bản đồ hiện trạng sử dụng đất và bản đồ quy hoạch sử dụng đất; lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện đồng bộ, đảm bảo thời gian; thực hiện giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất đảm bảo đúng quy trình; thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất công khai, minh bạch, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân; công tác đăng ký đất đai, lập và quản lý hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai được tổ chức triển khai theo quy định.

Công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh được chỉ đạo thực hiện nghiêm. Tỉnh đã kịp thời rà soát, điều chỉnh các điểm mỏ khoáng sản trên địa bàn, cụ thể đã bổ sung 08 khu vực khoáng sản phân tán nhỏ lẻ và 16 khu vực khoáng sản VLXDTT vào quy hoạch khoáng sản của tỉnh. Tỉnh Bắc Kạn đã phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh: Thái Nguyên, Lạng Sơn, Tuyên Quang xây dựng và ban hành Quy chế phối hợp quản lý khoáng sản tại vùng giáp ranh, nhằm ngăn chặn hoạt động khai thác trái phép, đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn giáp ranh.

4. Công tác nội chính

Công tác cải cách hành chính được tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị, địa phương, hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của bộ máy chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh ngày được nâng cao.

Các cấp, các ngành đã luôn chủ động trong việc bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị nhằm đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn và vị trí việc làm; do đó, thời gian qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng của tỉnh đã đạt được mục tiêu đề ra.Đến nay, 100% cán bộ, công chức cấp tỉnh, huyện đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn trước khi bổ nhiệm; 94,6% cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên; 12,1% cán bộ, công chức, viên chức có trình độ trên đại học; 60% viên chức được bồi dưỡng theo tiêu chuẩn; 100% cán bộ và 100% công chức cấp xã có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên.

Việc sắp xếp tổ chức bộ máy và kiện toàn chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, các phòng chuyên môn cấp huyện được tỉnh thực hiện theo quy định. Từ năm 2017, tỉnh triển khai thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ trong hệ thống chính trị, qua đó giảm 56 phòng phòng chuyên môn thuộc các sở, ngành; 03 chi cục và tương đương; 16 phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện; 86 đơn vị sự nghiệp công lập, 69 phòng, ban, tổ chức. Đồng thời, tỉnh triển khai sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, cấp thôn chưa đạt chuẩn. Qua sắp xếp, giảm 14 đơn vị cấp xã, từ 122 xuống còn 108 đơn vị; giảm được 111 thôn, tổ dân phố, từ 1.421 xuống còn 1.310 thôn, tổ dân phố. Thực hiện sắp xếp, kiện toàn đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, kết quả giảm 10.969 người, từ 17.563 người xuống còn 6.594 người.

5. Đảm bảo quốc phòng, an ninh

Tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng - an ninh; kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững mạnh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân; thực hiện tốt kế hoạch diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh, huyện và diễn tập chiến đấu phòng thủ xã, phường. Công tác xây dựng lực lượng dân quân tự vệ được thực hiện đúng luật, phù hợp với tình hình thực tiễn; 100% các đơn vị cơ sở dân quân tự vệ tổ chức huấn luyện, quân số tham gia huấn luyện bình quân đạt 98,5%. Công tác tuyển, chọn gọi công dân nhập ngũ đảm bảo công bằng, dân chủ, công khai, đúng luật, kết quả tuyển quân hằng năm đều đạt 100% chỉ tiêu.

Công tác quản lý nhà nước về an ninh - quốc phòng luôn được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Các cơ quan chức năng thường xuyên thăm nắm, nắm chắc tình hình, kịp thời xử lý, đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động gây rối của các thế lực thù địch, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; bảo vệ an toàn các cơ quan, các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn; tích cực đấu tranh phòng ngừa các loại tội phạm. Tỷ lệ điều tra, khám phá án hằng năm đều đạt trên 85%; án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt trên 98%; xử lý dứt điểm các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện lớn nhỏ tại địa phương, bảo đảm an ninh, không để phát sinh thành "Điểm nóng"; thực hiện đồng bộ các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông. Quản lý tốt hoạt động xuất, nhập cảnh. Tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc". An ninh vùng tôn giáo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được giữ vững. Xây dựng được nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc.

III. QUYẾT TÂM XÂY DỰNG TỈNH BẮC KẠN PHÁT TRIỂN NHANH, BỀN VỮNG

1. Mục tiêu tổng quát Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2021 - 2026

“Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của toàn Đảng bộ; phát huy truyền thống cách mạng, bản sắc văn hóa và đại đoàn kết các dân tộc; huy động, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực; quyết tâm xây dựng tỉnh Bắc Kạn phát triển nhanh, bền vững”.

2. Quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu phát triển

2.1. Quan điểm phát triển

- Phát triển kinh tế xã hội tỉnh phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng trung du miền núi Bắc Bộ và quy hoạch của vùng lâncận.

- Phát triển nhanh gắn liền với tăng trưởng xanh, hiệu quả và bền vững; nâng cao chất lượng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh nền kinh tế; đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ, phát triển nền kinh tế số và tăng cường năng lực tiếp cận Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong sản xuất.

- Phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh của tỉnh, tăng cường thu hút mọi nguồn lực từ bên ngoài; tập trung đầu tư đồng bộ, hiện đại kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng liên thông và đa mục tiêu; xây dựng chính quyền các cấp theo hướng “Kiến tạo”.

- Tập trung đầu tư có trọng điểm vào những ngành, lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh với nông, lâm nghiệp là nền tảng; du lịch và công nghiệp trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung gắn với công nghiệp chế biến sau thu hoạch, mở rộng liên kết sản xuất và nâng cao chuỗi giá trị.

- Phát huy tối đa yếu tố con người; coi trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng cho yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

- Phát triển kinh tế gắn với tiến bộ và công bằng xã hội, tạo việc làm, xoá đói giảm nghèo và nâng cao mức sống của nhân dân; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc trong tỉnh; sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên; chủ động ứng phó với biến đổi khí hssụ và bảo vệ môi trường.

- Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng, an ninh; chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế và khu vực.

2.2. Mục tiêu phát triển

2.2.1. Mục tiêu đến năm 2030:Bắc Kạn trở thành tỉnh phát triển trung bình khá của cả nước, hệ thống không gian hài hòa giữa đô thị và nông thôn; đô thị theo hướng sinh thái, hiện đại và bền vững, có môi trường sống tốt. Phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung, từng bước xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao; tập trung ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến; xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng giao thông và hạ tầng nông thôn. Tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch, phát triển đa dạng hoá và nâng tầm chất lượng dịch vụ du lịch. Từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là khu vực nông thôn, chú trọng giảm nghèo bền vững.

2.2.2. Tầm nhìn đến năm 2050: Tỉnh phấn đấu trở thành tỉnh có nền kinh tế năng động; hệ thống không gian hài hòa giữa đô thị và nông thôn; đô thị theo hướng sinh thái, hiện đại và bền vững, có môi trường sống tốt; mức phát triển khá so với các địa phương trong cả nước.

2.3. Chỉ tiêu đến năm 2030

2.3.1. Phát triển kinh tế

- Đến năm 2025, quy mô kinh tế của tỉnh tăng khoảng 1,5 lần so với năm 2020 và năm 2030 tăng hơn 2 lần so với năm 2020.

- Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2021-2030 đạt 7,4-7,75%/năm; trong đó, giai đoạn 2021-2025 đạt 6,5-7%/năm và giai đoạn 2026-2030 đạt 8,3-8,5%/năm. Cụ thể các khu vực: Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4-4,2%/năm; công nghiệp - xây dựng tăng 12-13%/năm và dịch vụ tăng 7,3-7,5%/năm.

- Cơ cấu kinh tế đến năm 2025: Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 26%; công nghiệp - xây dựng chiếm 18-18,5% và dịch vụ chiếm 53-54% trong GRDP. Đến năm 2030, tỷ trọng lần lượt là: 18-18,5%; 22-22,5% và 58-59%.

- GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 61-62 triệu đồng vào năm 2025 và đạt 74-75 triệu đồng vào năm 2030. Năng suất lao động đạt 81,5 triệu đồng (giá hiện hành) vào năm 2025 và đạt 92 triệu đồng vào năm 2030.

- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021 - 2025 là 30-30,5 nghìn tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 là 35-37 nghìn tỷ đồng.

- Đến năm 2030, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng tối thiểu 2 lần so với năm 2020, mức tăng bình quân đạt 12-14%/năm; đến năm 2025 đạt 1.100 tỷ đồng, đến năm 2030 đạt trên 2.000 tỷ đồng.

- Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 phấn đấu đạt 26%.

2.3.2. Phát triển xã hội

- Tuổi thọ trung bình đến năm 2025 khoảng 74,5 tuổi, số năm sống khoẻ đạt tối thiểu 67 năm và đến năm 2030 đạt 75 tuổi, số năm sống khoẻ đạt tối thiểu 68 năm.

- Cơ cấu lao động: Nông lâm nghiệp - công nghiệp, xây dựng - dịch vụ năm 2025 lần lượt là 42% - 26% -32% và năm 2030 là 35,5% - 29,7% - 34,8% .

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 72% năm 2025 và đạt 80% vào năm 2030; trong đó có bằng, chứng chỉ đạt trên 30% năm 2025 và đạt 40% năm 2030.

- Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị đến năm 2025 và năm 2030 phấn đấu duy trì dưới 2%.

- Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2-2,5%/năm trong giai đoạn 2021-2025 và trên 2%/năm trong giai đoạn 2026-2030. Trong đó tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 4%/năm giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030.

- Đến năm 2025, đạt 32 giường bệnh và trên 17 bác sĩ/10.000 dân; đến năm 2030 đạt 33 giường bệnh và trên 17 bác sĩ/10.000 dân.

- Tỉ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế duy trì trên 98%.

- Đến năm 2025 cả tỉnh có thêm 56 xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 174 thôn đạt chuẩn nông thôn mới.

2.3.3. Về môi trường

- Duy trì tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 98,5%, trong đó 50% được sử dụng nước sạch.

- Tỷ lệ rác thải được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn tại đô thị là 92% và 40% trở lên đối với nông thôn.

- Tỷ lệ khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường trong tỉnh đến năm 2025 và năm 2030 đạt 100%.

- Đến năm 2025 hoàn thành mục tiêu Kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đạt 100%.

- Duy trì tỷ lệ che phủ rừng trên 70%.

Chặng đường hình thành và phát triển với bao công sức, tâm huyết của thế hệ cha anh đã xây dựng nên một trang sử vẻ vang, đáng trân trọng, tự hào của tỉnh Bắc Kạn. Đặc biệt, từ khi tái thành lập tỉnh năm 1997 đến nay, được sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và sự giúp đỡ của các ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh bạn nên Bắc Kạn đã có những đổi thay toàn diện. Đây là tiền đề, động lực to lớn để Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn quyết tâm phấn đấu, đoàn kết, ra sức thi đua, học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng Bắc Kạn phát triển nhanh và bền vững./.

Hứa Hường