Skip Ribbon Commands
Skip to main content

TỔNG KẾT CÔNG TÁC CHUYỂN ĐỔI SỐ, ĐỀ ÁN 06 VÀ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NĂM 2023

( Cập nhật lúc: 23/01/2024  )

Chiều ngày 17 tháng 01 năm 2024, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tổ chức cuộc họp tổng kết công tác chuyển đổi số, Đề án 06 và cải cách hành chính tỉnh Bắc Kạn năm 2023. Tham dự cuộc họp có Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Hưng, Thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số tỉnh, Thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh, Thành viên Tổ công tác, Tổ giúp việc Đề án 06 tỉnh. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình chủ trì cuộc họp.

Thời gian qua, Cải cách hành chính, chuyển đổi số và đề án 06 đang được Đảng, Chínhh phủ và các địa phương quan tâm, thúc đẩy mạnh. 3 chương trình có mối quan hệ và tác động với nhau rất chặt chẽ, do đó, việc thực hiện tổng kết cả 3 chương trình trong 1 hội nghị giúp đánh giá đầy đủ, tổng thể và toàn diện hiệu quả, tác động triển khai của cả 3 chương trình.

Tại hội nghị tổng kết, đại diện 3 cơ quan thường trực đã thông qua các nội dung: Sở Thông tin và Truyền thông (cơ quan thường trực công tác Chuyển đổi số tỉnh) thông qua dự thảo Báo cáo kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024, Báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện Kế hoạch số 563/KH-UBND ngày 21 tháng 8 năm 2023 của UBND tỉnh về nâng cao chỉ số chuyển đổi số (DTI) tỉnh Bắc Kạn năm 2023; Công an tỉnh (cơ quan thường trực triển khai Đề án 06 trên địa bàn tỉnh) báo cáo kết quả thực hiện Đề án 06 năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ năm 2024, dự thảo Kế hoạch triển khai Đề án 06 năm 2024; Sở Nội vụ (cơ quan thường trực Cải cách hành chính tỉnh) Báo cáo kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024, Báo cáo kết quả tự đánh giá, chấm điểm chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh năm 2023.

Ảnh: Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông phát biểu về công tác chuyển đổi số của tỉnh năm 2023

Các báo cáo đều cho thấy, năm 2023, toàn hệ thống chính trị đã tích cực, chủ động và nỗ lực triển khai các nội dung chuyển đổi số, Đề án 06 cũng như cải cách hành chính, qua đó, cả 3 chương trình đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận: Trước hết, với chuyển đổi số, điểm nổi bật là nhận thức về chuyển đổi số tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh, nhất là cấp xã đã nâng lên đáng kể. Các đơn vị đều chủ động, tích cực hơn trong việc triển khai và ứng dụng có hiệu quả các hệ thống đã đầu tư. Công tác chuyển đổi số đến gần với người dân thông qua các ngày hội chuyển đổi số, thí điểm chuyển đổi số cấp xã với hoạt động hỗ trợ điện thoại thông minh để tiếp cận chuyển đổi số cho người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, lắp đặt các điểm phát sóng wifi công cộng để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sử dụng mạng internet miễn phí, lắp đặt camera giám sát để nâng cao công tác đảm bảo an ninh trật tự, thúc đẩy chuẩn hóa thông tin thuê bao di động, kích hoạt định danh điện tử mức độ 2, triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, miễn phí chức năng xem kết quả học tập trên ứng dụng cho phụ huynh, …Công tác chuyển đổi số còn ghi nhận kết quả tích cực trong việc triển khai xây dựng thêm 12 cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hoàn thiện hạ tầng trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh để đáp ứng nhu cầu của các đơn vị. Một chỉ số quan trọng trong chính quyền số là tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được nộp trực tuyến của tỉnh năm 2023 đạt 44,2%, tăng 14,2% so với năm 2022.

Đối với Đề án 06, công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Đề án 06 được tiến hành thường xuyên, nghiêm túc, bảo đảm đúng tiến độ theo lộ trình đặt ra. Những kết quả nổi bật mà Đề án 06 đã đạt được như: Đa dạng hóa các hình thức triển khai thông qua các mô hình như “Ngày thứ hai không giấy và không dùng tiền mặt” tại Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh; 08 mô hình “Ngày dịch vụ công trực tuyến” hoặc “Ngày không giấy hẹn” của 08 huyện, thành phố; đa dạng các hình thức thông tin trên Đài PTTH (trên cả sóng phát thanh và sóng truyền hình), thông qua báo, cổng, trang thông tin điện tử, mạng xã hội; Bộ phận Một cửa các cấp đã không yêu cầu công dân xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú trong việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính; đăng ký triển khai 24/44 mô hình điểm về Đề án 06 thuộc chức năng nhiệm vụ của 8 sở ngành; các tổ chức tín dụng trên địa bàn đều bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy theo quy định; hầu hết các ngân hàng đều đã sử dụng chức năng tích hợp thông tin cá nhân thông qua mã QR code trên căn cước công dân (CCCD) của khách hàng nhằm để đối chiếu thông tin khi định danh khách hàng; các cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài công lập trên địa bàn tỉnh triển khai khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chip; việc chi các chế độ cho người dân thông qua hình thức thanh toán trực tuyến qua tài khoản cá nhân ngày càng nhiều: Chi nhận lương hưu và trợ cấp BHXH được 2.990/11.030 người, đạt 27%; chi bảo hiểm xã hội một lần được 3.721/4.666 người, đạt 80%; chi bảo hiểm thất nghiệp được 2.375/2.375 người, đạt 100%; toàn tỉnh thu nhận 299.203 lượt hồ sơ cấp CCCD, đã kích hoạt 159.265 tài khoản định danh điện tử (gồm mức độ 1 và mức độ 2 của công dân cư trú trên địa bàn tỉnh), ...

Đối với công tác cải cách hành chính, tỉnh đã tổ chức 03 cuộc đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành với doanh nghiệp, HTX; tỉnh thực hiện tự kiểm tra đối với 31 văn bản của UBND tỉnh ban hành trong năm 2023; thực hiện rà soát và xử lý đối với 32 văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) có nội dung không còn phù hợp với văn bản QPPL cấp trên và tình hình thực tiễn, góp phần đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước trong áp dụng và thi hành; ban hành 55 quyết định công bố tổng số 961 thủ tục hành chính (TTHC) (ban hành mới: 274; sửa đổi, bổ sung: 420; thay thế: 36; hủy bỏ, bãi bỏ: 231); thực hiện rà soát sáp nhập các đơn vị sự nghiệp giáo dục thuộc UBND cấp huyện, kết quả giảm 04 đơn vị; tinh giản 21 trường hợp cấp tỉnh, cấp huyện; 15 trường hợp cấp xã; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2023 ứớc đạt 856 tỷ đồng, bằng 104% dự toán trung ương giao, bằng 86% dự toán tỉnh giao; giải ngân kinh phí đầu tư công năm 2023 ước đạt 90,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 85,6% kế hoạch của tỉnh; 100% các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc tỉnh, trực thuộc các sở, ngành và trực thuộc UBND cấp huyện đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án tự chủ tài chính; hoàn thành việc hợp nhất Cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử của tỉnh để hình thành Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh; duy trì, hoàn thiện và thúc đẩy việc kết nối hệ thống một cửa điện tử của tỉnh đến các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu các bộ, ngành TW để kết nối đồng bộ, chia sẻ dữ liệu, tạo điều kiện thuận lợi trong thực hiện giải quyết TTHC…

Bên cạnh những kết quả đạt được, các báo cáo cũng như ý kiến thảo luận của các đại biểu cũng thẳng thắn thừa nhận công tác chuyển đổi số, đề án 06 cũng như cải cách hành chính của tỉnh còn nhiều những hạn chế, khiến cho cả 3 chương trình đều chưa đạt được kết quả như mong đợi, đó là: Hạ tầng của tỉnh chưa đảm bảo chất lượng khi còn 37 thông “trắng sóng” di động, tình trạng lõm sóng còn phổ biến; chất lượng đường truyền internet ở nhiều bộ phận “một cửa” chưa đáp ứng yêu cầu; việc kết nối, chia sẻ dữ liệu, tái sử dụng dữ liệu chưa hiệu quả; việc đảm bảo an toàn thông tin mạng chưa được quan tâm đầy đủ; việc triển khai các nhiệm vụ, dự án chuyển đổi số chưa đạt mục tiêu đề ra; …

Trong triển khai Đề án 06, việc triển khai thực hiện Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp còn gặp khó khăn, chưa thuận tiện trong việc truy xuất dữ liệu để tìm nguyên nhân, giải pháp khắc phục điểm chỉ số cho địa phương; một số bộ, ngành trong quá trình công khai TTHC trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC còn chậm, muộn hoặc công khai dữ liệu không đầy đủ nội dung dẫn đến khó khăn cho địa phương trong quá trình thực hiện; việc triển khai 02 nhóm TTHC liên thông “đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm cho trẻ dưới 6 tuổi” “đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí” còn một số khó khăn vướng mắc.

Trong công tác cải cách hành chính (CCHC), các nhiệm vụ trong kế hoạch CCHC năm 2023 đã hoàn thành đúng tiến độ đề ra nhưng kết quả đạt được chưa cao; công tác tuyên truyền được thực hiện thường xuyên nhưng chưa có nhiều hình thức phong phú, đa dạng; chưa có nhiều sáng kiến, giải pháp mới trong thực hiện CCHC; biên chế công chức, viên chức của tỉnh được thẩm định, giao thấp hơn so với mặt bằng chung các tỉnh trong cả nước nên chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thực tế được giao; một số đơn vị sự nghiệp sau sáp nhập chưa được cấp có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn thực nên còn lúng túng trong quá trình vận dụng văn bản để triển khai thực hiện; việc cân đối, bố trí biên chế công chức thay thế biên chế viên chức thực hiện chức năng quản lý nhà nước còn gặp nhiều khó khăn; việc xây dựng đề án vị trí việc làm còn chậm do các bộ chủ quản chậm ban hành thông tư hướng dẫn theo thời gian quy định; xây dựng và ban hành định mức kinh tế kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước phức tạp, gặp nhiều khó khăn trong khi Bộ ngành, Trung ương chưa có hướng dẫn, Văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thực hiện cơ chế tự chủ tài chính chậm được sửa đổi ban hành, …

Ảnh: Đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Đăng Bình phát biểu chỉ đạo, kết luận cuộc họp

Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình ghi nhận trong năm 2023, các đơn vị, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp mới, huy động được sự tham gia của hệ thống chính trị, doanh nghiệp, người dân, qua đó, mang lại nhiều kết quả trong chuyển đổi số, Đề án 06 và cải cách hành chính, giúp cải thiện nhiều kết quả đánh giá các chỉ số của tỉnh. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh hoan ngênh sự cố gắng và đánh giá cao kết quả đã đạt được của các cấp, các ngành và của 3 cơ quan thường trực.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế hiện nay, triển khai hiệu quả hơn nữa công tác chuyển đổi số, Đề án 06 và cải cách hành chính, đồng chí chủ tịch chỉ đạo: Từng ngành, từng đơn vị, địa phương phải làm nhiều hơn nữa để tiếp tục cải thiện nâng cao chất lượng, hiệu quả của cả 3 chương trình trên. Trong đó, với chuyển đổi số, các đơn vị phổ biến, quán triệt triển khai hiệu quả các kết quả chuyển đổi số tỉnh đã triển khai xong thời gian qua, phát huy tinh thần chủ động trong việc ; các chủ đầu tư được giao triển khai các nhiệm vụ dự án hiệu quả, bám sát thực tiễn, phát huy tối đa tính năng, chức năng, đảm bảo tính kết nối, chia sẻ dữ liệu, không để phát sinh tránh lãng phí. Sở Thông tin và Truyền thông phát huy vai trò cơ quan thường trực chuyển đổi số, đẩy nhanh công tác thẩm định, tham mưu triển khai các hoạt động chuyển đổi số năm 2024 thực chất, hiệu quả; các huyện, thành phố chỉ đạo bố trí kinh phí nâng cấp đường truyền tại bộ phận 1 cửa cũng như các nhiệm vụ cần thiết khác. Đối với công tác cải cách hành chính, các đơn vị xây dựng, ban hành kế hoạch cải cách hành chính với nội dung thiết thực, hiệu quả; Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Văn phòng ủy ban nhân dân tỉnh tỉnh khắc phục triệt để các vấn đề liên quan đến hệ thống phần mềm cũng như vấn đề đồng bộ dữ liệu với cổng dịch vụ công quốc gia; Sở Nội vụ thường xuyên theo dõi triển khai các nhiệm vụ, kịp thời báo cáo UBND tỉnh xử lý những khó khăn, vướng mắc; tham mưu đề xuất tìm kiếm các sáng kiến, giải pháp mới về cải cách hành chính. Với Đề án 06, các sở ngành, địa phương bám sát hướng dẫn, triển khai các hiệu quả hoạt động; công an tỉnh phát huy vai trò của cơ quan thường trực Tổ công tác, kịp thời tham mưu đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ đạt hiệu quả cao nhất./.

Hà Hồng Cương