Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Chính phủ yêu cầu thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số

( Cập nhật lúc: 08/01/2021  )

Ngày 01/01/2021, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021. Trong số các nhiệm vụ, giải pháp được đưa ra, thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số là một trong những nhiệm vụ, giải pháp nổi bật được Chính phủ quan tâm chỉ đạo.

Chuyển đổi số với 3 trụ cột: Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số

Trên cơ sở nhận định những thành tựu nổi bật đã đạt được trong năm qua, Chính phủ đánh giá "năm 2020 được xem là năm thành công hơn năm 2019 và là năm thành công nhất trong 5 năm qua với những kết quả, thành tích đặc biệt, góp phần tô đậm thành tựu của cả nhiệm kỳ 2016-2020". Bước vào năm 2021, Chính phủ xác định phương châm hành động của năm là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển” với 08 trọng tâm chỉ đạo điều hành.

Để thực hiện 08 trọng tâm đó, Chính phủ đã đưa ra 11 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Trong đó, nhiệm vụ về thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số được đề cập như sau:

Thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý cho các loại hình kinh doanh mới, kinh tế số, cung cấp dịch vụ công. Ban hành chính sách thử nghiệm (Sandbox) các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh, công nghệ mới, như: kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, đô thị thông minh,... đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển của nền kinh tế. Đẩy nhanh và triển khai toàn diện chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam, trong đó chú trọng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Xây dựng hạ tầng kinh tế số, xã hội số, hạ tầng kết nối thông minh, phát triển trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật. Từng bước hình thành hạ tầng mạng thông tin di động 5G. Tăng cường sử dụng chung cơ sở hạ tầng công nghệ số và truyền thông, nền tảng dùng chung.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số gắn với hoàn thiện thể chế, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng. Phát triển, hoàn thiện các hệ thống thông tin, các cơ sở dữ liệu nền tảng, cốt lõi của Chính phủ điện tử; đẩy mạnh kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu. Tăng cường sử dụng văn bản điện tử, chữ ký số, xử lý công việc trên môi trường mạng và họp trực tuyến; triển khai các chế độ báo cáo, chỉ tiêu kinh tế - xã hội trên Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, kết nối với Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tiếp tục tái cấu trúc quy trình để tích hợp, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và đẩy mạnh tích hợp dịch vụ thanh toán trên cổng Dịch vụ công quốc gia. Khẩn trương triển khai việc kết nối chia sẻ dữ liệu hành chính giữa các cơ quan quản lý nhà nước để hình thành hệ thống thông tin thống kê quốc gia phục vụ quản lý, điều hành các cấp.

Bên cạnh đó, xuyên suốt Nghị quyết, Chính phủ thường xuyên chú trọng những giải pháp về tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thúc đẩy thương mại điện tử, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới sáng tạo ...

Năm 2021, Sở TTTT sẽ tiếp tục thúc đẩy tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kỹ năng về Chuyển đổi số

Trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, năm 2021, Sở Thông tin và Truyền thông cũng xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành là tham mưu cho UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo, thúc đẩy Chuyển đổi số trong tất cả các ngành, các lĩnh vực và trong toàn xã hội. Theo đó, năm 2021, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành Chương trình Chuyển đổi số của tỉnh; tiếp tục hoàn thiện các nền tảng hạ tầng, kết nối, chia sẻ dữ liệu; cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thúc đẩy thanh toán trực tuyến trong thanh toán nói chung và thanh toán phí, lệ phí giải quyết hồ sơ TTHC nói riêng; tiếp tục các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng số, dần hình thành "công dân điện tử" của tỉnh.

Bên cạnh đó, Sở sẽ tập trung tham mưu các nhiệm vụ, giải pháp về đảm bảo an toàn thông tin mạng, đảm bảo an toàn thông tin phải được quan tâm đúng mức tại mỗi đơn vị, địa phương và mỗi ứng dụng được triển khai. Ngoài ra, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông bám sát triển khai giai đoạn 2 về thí điểm Chuyển đổi số tại xã Vi Hương, huyện Bạch Thông nhằm thúc đẩy chuyển đổi số sâu và bền vững hơn nữa trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, xã hội và của chính quyền địa phương, hình thành rõ rệt 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số tại xã, làm cơ sở để nhân rộng ra các xã khác trên địa bàn tỉnh./.


Hà Hồng Cương