Năm 2020, được đánh giá là một năm khó khăn trên bình diện toàn cầu; với tỉnh Bắc Kạn những khó khăn ấy càng lớn gấp bội phần do đại dịch Covid-19, mưa đá, lốc xoáy, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi...làm thay đổi tập quán, thói quen trong sản xuất, kinh doanh và đời sống dân sinh của người dân trên địa bàn toàn tỉnh do phải giãn cách xã hội. Xác định rõ nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông đã chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng, hệ thống thông tin cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh, định hướng dư luận xã hội để người dân hiểu đúng và có các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả; đồng thời, không hoang mang, lo sợ nhằm hoàn thành mục tiêu “kép” mà Đảng, Chính phủ chỉ đạo. Tích cực tuyên truyền góp phần to lớn vào thành công Đại hội Đảng các cấp hướng tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025.

Lế công bố kết quả giai đoạn 1: Chuyển đổi số xã Vi Hương, huyện Bạch Thông
Khi phải giãn cách xã hội do phòng, chống đại dịch Covid-19, bài toán đặt ra là làm thế nào để sự chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp phải thông suốt, kịp thời? các hoạt động học tập, sản xuất, kinh doanh vẫn phải được liên tục?…Sở đã chủ động đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan trong hệ thống chính trị tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để làm việc từ xa, đảm bảo ổn định hạ tầng Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh phục vụ cho 625 cơ quan cả 3 cấp làm việc thường xuyên. Đồng thời, khuyến nghị cài đặt các nền tảng họp trực tuyến như: VNPT Meeting, Vmeet, Jisi, Room…để trao đổi công việc, học tập. Khuyến khích các cơ quan nhà nước tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến để phục vụ người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh. Đề nghị các doanh nghiệp Viễn thông mở thêm dung lượng đường truyền để phục vụ hội họp, sản xuất, kinh doanh mà không thu thêm cước phí; nhắn tin quảng bá miễn phí, khuyến cáo người dân phòng, chống dịch. Vận động cán bộ, công chức, viên chức cài đặt và hướng dẫn người dân cài đặt phần mềm Bluzone, NCOVI để chủ động phát hiện tiếp xúc gần và khai báo y tế. Đề nghị các doanh nghiệp bưu chính bố trí nhân lực, tăng cường chuyển, phát đảm bảo thông tin chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp và phục vụ tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như đời sống của người dân.
Năm 2020 có 1.970.812 văn bản điện tử được luân chuyển qua mạng liên thông 4 cấp (trung bình khoảng 5.500 lượt văn bản/ngày) đã giúp tiết kiệm hàng chục tỷ đồng kinh phí hành chính; quan trọng hơn là sự chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc nhanh hơn, công khai, minh bạch hơn, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.Tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 03 về tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến, dần hình thành “công dân điện tử”. Triển khai thực hiện Chỉ thị, với mong muốn đa dạng hóa các kênh tuyên truyền và có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Sở đã ký hợp đồng trách nhiệm với 4 tổ chức đoàn thể là Liên đoàn lao động tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh và Tỉnh Đoàn thanh niên CSHCM để tăng cường tuyên truyền, vận động trong đoàn viên, hội viên với mục tiêu dần hình thành “công dân điện tử”. Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, huyện, thành phố cung cấp tối đa dịch vụ công trực tuyến lên mức 4. Kết quả, đến hết 31/12/2020 dịch vụ công trực tuyến mức 4 cả tỉnh đã cung cấp đạt 55,2%; trong đó, cấp sở, ngành đạt 55,91%, cấp huyện+xã đạt 52,52% (Vượt xa so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XI và Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ, đều đưa ra chỉ tiêu ở mức 30%)
Ngoài việc tích cực tham mưu và chủ động triển khai hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị được giao của đơn vị.Sở đã năng động, sáng tạo, dám đổi mới để đi đầu triển khai một số nhiệm vụ như: Vận động Tổng công ty Viễn thông quân đội Viettell lắp đặt 01 màn hình LED phục vụ tuyên truyền tại sân Nhà Văn hóa tỉnh Bắc Kạn, trị giá khoảng 2 tỷ đồng. Vận động Quỹ Thiện tâm thuộc tập đoàn VinGroup hỗ trợ xây dựng mới 07 đài truyền thanh cấp xã thông minh ứng dụng công nghệ Viễn thông-Công nghệ thông tin cho 07 xã thuộc 03 huyện Na Rỳ, Ngân Sơn, Ba Bể, tổng trị giá trên 2,1 tỷ đồng. Vận động các doanh nghiệp số gồm: Tập đoàn Công nghệ CMC; Công ty Cổ phần Viễn thông Hà Nội (Hanoi Telecom); Công ty Cổ phần dịch vụ và giải pháp xử lý dữ liệu Vbee, Viettel Bắc Kạn, VNPT Bắc Kạn cùng chung sức hỗ trợ xã Vi Hương, huyện Bạch Thông “chuyển đổi số” theo tinh thần quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Ngày 22/12/2020 đã tổ chức công bố kết quả giai đoạn 1, chuyển đổi số xã Vi Hương; đây là xã đầu tiên trong cả nước có được kết quả này.

Lế công bố kết quả giai đoạn 1: Chuyển đổi số xã Vi Hương, huyện Bạch Thông
Có thể khẳng định, trong điều kiện của một năm 2020 đầy khó khăn, biến động. Nhưng với sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, Sở cùng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong ngành Thông tin và Truyền thông đã nỗ lực vươn lên đạt được những thành tích xuất sắc, góp phần to lớn vào phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh; đồng thời, tạo tiền đề để chủ động tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sẵn sàng cho chuyển đổi số thành công trong thời gian tới.