Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Chức năng nhiệm vụ

( Cập nhật lúc: 08/05/2020  )

Ngày 11/5/2006, Sở Bưu chính - Viễn thông tỉnh Bắc Kạn được thành lập theo Quyết định số 925/2006/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bắc Kạn. Để thống nhất quản lý công tác thông tin và truyền thông bằng việc giao thêm chức năng quản lý nhà nước về báo chí và xuất bản, ngày 28/3/2008 UBND tỉnh Bắc Kạn quyết định đổi tên Sở Bưu chính - Viễn thông thành Sở Thông tin và Truyền thông tại Quyết định số 570/QĐ-UBND.

Là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông có chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về: Báo chí; xuất bản; bưu chính; viễn thông; tần số vô tuyến điện; công nghệ thông tin, điện tử; phát thanh và truyền hình; thông tin điện tử; thông tin đối ngoại; bản tin thông tấn; thông tin cơ sở; hạ tầng thông tin truyền thông; quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng, trên xuất bản phẩm và quảng cáo tích hợp trên các sản phẩm, dịch vụ bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin. Cung cấp các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý của Sở; thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn theo sự phân cấp hoặc uỷ quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh, chủ tịch UBND tỉnh và theo quy định của pháp luật.

Vượt lên những khó khăn, thách thức của ngày đầu mới thành lập, tập thể cán bộ công chức, viên chức toàn ngành Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Kạn đã đoàn kết, khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND tỉnh Bắc Kạn ghi nhận và tặng nhiều Bằng khen, Cờ thi đua.

Ngay từ khi mới thành lập, Sở Thông tin và Truyền thông đã tập trung tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành hệ thống các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, văn bản quy phạm pháp luật, các quy hoạch, kế hoạch phục vụ công tác quản lý nhà nước, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Các lĩnh vực trong công tác thông tin và truyền thông đã được tăng cường quản lý, tạo môi trường pháp lý lành mạnh để các doanh nghiệp, người dân tổ chức sản xuất, kinh doanh đóng góp to lớn vào sự phát triển chung của tỉnh.

Hoạt động bưu chính, viễn thông luôn đảm bảo thông suốt, an toàn, an ninh thông tin phục vụ hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước, đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Mạng lưới bưu chính khá hoàn chỉnh từ tỉnh đến 100% các xã, phường, thị trấn; 100% các xã có thư, báo đến trong ngày. Các doanh nghiệp bưu chính còn tham gia cung ứng một số dịch vụ mới và dịch vụ hành chính công nhằm chung tay vào công cuộc cải cách hành chính, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân như dịch vụ: Chi trả lương hưu, dịch vụ bảo hiểm y tế tự nguyện, dịch vụ tiếp nhận và trả kết quả thực hiện thủ tục hành chính, phục vụ tích cực thương mại điện tử...

Mạng viễn thông phát triển nhanh, liên tục mở rộng phạm vi và nâng cao chất lượng dịch vụ. Hạ tầng mạng lưới viễn thông, Internet được đầu tư phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là mạng di động 3G, 4G. Đến nay, 100% số xã trong tỉnh đã được phủ sóng điện thoại di động; 100% các huyện, thành phố được kết nối thông tin bằng đường truyền cáp quang tốc độ cao.

Tỉnh Bắc Kạn hiện có đủ 04 loại hình báo chí gồm: Báo in, báo nói, báo hình và báo điện tử với 03 cơ quan báo chí là Báo Bắc Kạn, Tạp chí Văn nghệ Ba Bể, Đài Phát thanh & Truyền hình Bắc Kạn. Ngoài các cơ quan báo chí, Cổng Thông tin điện tử của tỉnh với 33 trang/cổng thành viên là các trang/cổng thông tin điện tử các sở ban ngành và huyện, thành phố duy trì hoạt động tốt đang dần khẳng định là công cụ quan trọng, hữu ích để người dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội giao dịch với các cơ quan Nhà nước trên môi trường mạng, thông qua đó góp phần tăng cường hiệu quả hoạt động của chính quyền, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, dần hình thành hạ tầng chính quyền điện tử tỉnh Bắc Kạn. Hoạt động của các cơ quan thông tin đại chúng, hệ thống thông tin ở các cấp, các ngành đã góp phần nâng cao, tăng cường sự thống nhất về nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; kịp thời phản bác những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, góp phần định hướng dư luận và tạo sự đồng thuận trong xã hội, tuyên truyền hiệu quả các nhiệm vụ chính trị - kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Công tác Thông tin đối ngoại luôn được quan tâm với việc đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá đến bạn bè trong nước và quốc tế về hình ảnh con người, những giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc của tỉnh Bắc Kạn.

Công nghệ thông tin (CNTT) là lĩnh vực có vai trò rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay, góp phần tạo nên một phương thức làm việc mới thuận lợi cho công tác lãnh đạo, điều hành; công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi giao dịch với các cơ quan nhà nước, đồng thời để người dân giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước. Xác định rõ tầm quan trọng của CNTT, Sở Thông tin và Truyền thông đã chủ động tham mưu tỉnh xây dựng Quy hoạch phát triển Công nghệ thông tin tỉnh Bắc Kạn đến năm 2015 định hướng đến năm 2020; Quy hoạch phát triển an toàn thông tin số tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2012 - 2020 và Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Bắc Kạn phiên bản 2.0, triển khai ứng dụng chữ ký số chuyên dùng trong các cơ quan nhà nước tỉnh Bắc Kạn…

Cơ sở hạ tầng CNTT, các dịch vụ CNTT và nguồn nhân lực CNTT được quan tâm đầu tư, 100% sở, ngành, huyện, thành phố đã có mạng cục bộ (LAN), có kết nối Inernet băng thông rộng. Hệ thống mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng và nhà nước được triển khai thiết bị đầu cuối đến 100% các sở, ban, ngành, huyện, thành phố. Trên 100% cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, huyện được trang bị máy tính để làm việc; cấp xã đạt trên 70%. Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh cơ bản đáp ứng các yêu cầu, đảm bảo hoạt động an toàn, ổn định và đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về môi trường, kết nối mạng và dự phòng.

Ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước tỉnh Bắc Kạn những năm gần đây có chuyển biến vượt bậc, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, thúc đẩy tiến trình cải cách hành chính. Hầu hết cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh huyện có năng lực sử dụng máy tính trong giải quyết công việc.Phần mềm Quản lý văn bản và hồ sơ công việc (TDOffice) được triển khai đến 100% cơ quan quản lý nhà nước cả 3 cấp. Hệ thống đã được nhân rộng tại các cơ quan khối Đảng, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội và đang triển khai đến tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh đã được đầu tư, nâng cấp và hoạt động ổn định, cung cấp trên 5000 tài khoản cho cán bộ, công chức, viên chức từ cấp tỉnh đến cấp xã. Phần mềm một cửa điện tử, một cửa điện tử liên thông được triển khai đến tất cả các cơ quan có cung cấp dịch vụ công từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn.

Công tác thanh tra, kiểm tra luôn được Sở Thông tin và Truyền thông quan tâm nhằm kịp thời phổ biến các quy định của pháp luật, phát hiện, chấn chỉnh, xử lý những sai phạm, tồn tại, hạn chế, bất cập đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.

Cùng với việc hoàn thành tốt các nhiệm vụ chuyên môn được giao, toàn thể đảng viên, công chức, viên chức người lao động trong ngành thông tin & truyền thông luôn nhận thức đầy đủ, chấp hành nghiêm đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; quan tâm thực hiện tốt các hoạt động đảm bảo an sinh xã hội. Hiện tại, các đơn vị trong ngành Thông tin và Truyền thông đều đã và đang tích cực giúp đỡ các xã trong tỉnh xây dựng nông thôn mới.

Hiện nay, cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang diễn ra với tốc độ cao, đây vừa là cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho sự phát triển đi lên của tỉnh Bắc Kạn nói chung, trong đó có công tác quản lý nhà nước về Thông tin và Truyền thông. Để tiếp tục khẳng định vai trò trong xu thế hội nhập và phát triển, cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành Thông tin và Truyền thông phải tiếp tục nỗ lực, học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, tăng cường đoàn kết nhất trí nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao trong thời gian tới. Sở Thông tin vàTruyền thông cần tăng cường công tác quản lý nhà nước với tất cả 14 lĩnh vực được giao. Tạo môi trường lành mạnh, ổn định để các cơ quan báo chí, các doanh nghiệp, người dân hoạt động trong lĩnh vực Thông tin và Truyền thông sản xuất, kinh doanh, đóng góp ngày càng nhiều cho sự phát triển bền vững của tỉnh Bắc Kạn cũng như cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.


Hà Văn Tiến