Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hội thảo đánh giá, thảo luận về các giải pháp và sự tác động trong việc nâng cao chất lượng công tác pháp chế, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương

( Cập nhật lúc: 07/06/2022  )

Vừa qua, Sở Tư pháp đã tổ chức hội thảo đánh giá, thảo luận về các giải pháp và sự tác động trong việc nâng cao chất lượng công tác pháp chế, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Tham dự hội thảo có các đại biểu là đại diện lãnh đạo và công chức làm công tác pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, đại diện UBND huyện, thành phố, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệptỉnh Bắc Kạn, một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Nội dung cuộc hội thảo là trình bày và thảo luận về các giải pháp,đánh giá tác động của các giải pháp nâng cao chất lượng công tác pháp chếphục vụ phát triển kinh tế, xã hội;về cách thức, phương pháp áp dụng các giải pháp phù hợp với tình hình chung trên địa bàn tỉnh và thực tế từng cơ quan, đơn vị.Đề xuất, kiến nghị của các cơ quan, đơn vị về giải pháp nâng cao chất lượng công tác pháp chế ngoài các giải pháp được tổ chức chủ trì đề tài xây dựng. Tại Hội thảo, Sở Thông tin và Truyền thông đã có bài tham luận về giải pháp nâng cao chất lượng công tác văn bản quy phạm pháp luật của Sở.

Toàn cảnh Hội thảo

Trong thời gian qua, tổ chức và hoạt động pháp chế của Sở Thông tin và Truyền thông từng bước được củng cố, kiện toàn và đạt được nhiều kết quả tích cực,cơ bản đáp ứng nhu cầu quản lý nhà nước bằng pháp luật, góp phần bảo đảm cho pháp luật thông tin, truyền thông đi vào đời sống kinh tế - xã hội và được tuân thủ nghiêm chỉnh.Sở bố trí một công chức thuộc Văn phòng phụ trách kiêm nhiệm công tác pháp chế, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công chức pháp chế luôn chủ động nghiên cứu, tham mưu cho Lãnh đạo Sở thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác pháp chế, đặc biệt là công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật. Từ khi thành lập Sở đến nay, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành 18 văn bản, trong đó có 14 Quyết định ban hành quy chế, quy định và 04 Quyết định bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật. Các văn bản do Sở tham mưu ban hành, nhìn chung đạt chất lượng tốt. Trong những năm gần đây, không để xảy ra tình trạng văn bản ban hành trái pháp luật bị xử lý trong lĩnh vực quản lý của đơn vị.

Bên cạnh những kết quả trên, công tác văn bản quy phạm pháp luậttại Sở Thông tin và Truyền thông vẫn còn tồn tại một số khó khăn, tồn tại, hạn chế như:Việc đề xuất đăng ký xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trình UBND tỉnh chưa thống nhất với công tác rà soát văn bản, một số trường hợp văn bản chưa thực hiện việc rà soát nhưng đã đăng ký xây dựng dẫn đến thiếu căn cứ để thực hiện.Còn một số trường hợp văn bản củaTrung ương có nội dung giao địa phương quy định có hiệu lực từ nhiều năm nhưng Sở chưa kịp thời tham mưu ban hành mới, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.Một số dự thảo văn bản trong quá trình xây dựng còn lúng túng trong xác định đối tượng và phạm vi điều chỉnh, nhất là việc xác định các đối tượng có liên quan không thuộc phạm vi quản lý của UBND tỉnh;chất lượng nội dung dự thảochưa được như mong muốn, chủ yếu là tham khảo các địa phương khác hoặc dẫn chiếu theo các quy định của văn bản cấp trên.

Xác định được nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại, hạn chế đã nêu ra, Sở TTTT mạnh dạn đưa ra một số giải pháp về công tác văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh như sau:

Đối với việc đề xuất ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải đảm bảo cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn; dự liệu được hết các yếu tố ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng thực hiện; tính toán kỹ về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nội dung, các chính sách trong đề xuất xây dựng văn bản, đảm bảo tính khả thi sau khi văn bản được ban hành.

Trước khi xây dựng dự thảo phải tiến hành đánh giá, tổng kết tình hình thực tiễn trong lĩnh vực được giao một cách cụ thể, khách quan, toàn diện lĩnh vực dự kiến tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật, để ngay từ giai đoạn này khẳng định được có hay không, nên hay không nên tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này, tránh tình trạng tổ chức thực hiện soạn thảo, triển khai lấy ý kiến góp ý, ý kiến thẩm định, sau đó mới nhận thấy (hoặc qua công tác góp ý, thẩm định) cho thấy nội dung trong dự thảo thiếu căn cứ pháp lý, không khả thi hoặc không cần thiết ban hành làm mất nhiều thời gian, nhân lực cho công đoạn này.

Đề cao tính kế hoạch, phương pháp khoa học trong thực hiện nhiệm vụ soạn thảo các vănbản quy phạm phápluật.Khi được giao soạn thảo, các đơn vị chủ trì cần xây dựng kế hoạch chi tiết, phân công nhiệm vụ cụ thể,xác định thời gian hoàn thành để đảm bảo tiến độ công việc.

Người đứng đầu đơn vị được giao chủ trì soạn thảo hoặc Tổ soạn thảo phải đặc biệt chú trọng và đề cao vai trò trách nhiệm trong suốt quá trình xây dựng văn bản từ khâu soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, chỉnh lý, hoàn thiện cho đến khi thông qua; trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm toàn bộ về nội dung, chất lượng, tiến độ trình các dự thảo do cơ quan mình chủ trì.

Thường xuyên rà soát, hệ thống hóa và cập nhật những văn bản quy phạm pháp luật mới được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới để kịp thời tham mưuban hành văn bản quy định chi tiết hoặc tham mưu bãi bỏ.

Tạo điều kiện để đội ngũ làm công tác xây dựng pháp luật được tham gia tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cũng như được bồi dưỡng chuyên sâu về nghiệp vụ ban hành văn bản, kỹ năng xây dựng, phân tích chính sách./.


Bế Thị Thanh Hoài