Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hội nghị Chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn năm 2024

( Cập nhật lúc: 09/10/2024  )

Sáng ngày 08/10/2024, Hội nghị Chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn năm 2024 đã chính thức diễn ra tại Hội trường lớn tỉnh Bắc Kạn. Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tuyến tại 03 cấp: tỉnh, huyện, xã.

Dự Hội nghị, tại điểm cầu cấp tỉnh (Hội trường tỉnh) có đồng chí Nguyễn Đăng Bình - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh; Thường trực HĐND tỉnh; Lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh; Lãnh đạo UBND tỉnh; Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Lãnh đạo Vụ Kinh tế số - xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông; Lãnh đạo Công ty CNTT VNPT; Lãnh đạo Công ty TNHH FPT IS; Lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh; Lãnh đạo Hội Doanh nhân trẻ tỉnh; Lãnh đạo các Doanh nghiệp bưu chính - viễn thông, Công nghệ thông tin và Ngân hàng thương mại hoạt động trên địa bàn tỉnh; đại diện phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.

Triển khai công tác chuyển đổi số đồng bộ, xuất phát từ nhu cầu và yêu cầu thực tế

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình nhấn mạnh: Sau gần 06 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 09-CT/TU của Tỉnh ủy Bắc Kạn về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và các chương trình/kế hoạch, đề án của UBND tỉnh, đến nay, có thể khẳng định rằng các cơ quan, đơn vị, địa phương đã triển khai công tác chuyển đổi số đồng bộ, xuất phát từ nhu cầu và yêu cầu thực tế. Nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân về chuyển đổi số đã có sự chuyển biến rất tích cực.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được, nhất là sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số các cấp; sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của các ban, sở, ngành, địa phương; sự nỗ lực, chung tay đồng hành, tham gia có hiệu quả của các doanh nghiệp viễn thông - công nghệ thông tin; sự đồng thuận, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp, đã đóng góp vào những kết quả rất đáng khích lệ trong thời gian qua.

Đồng chí Nguyễn Đăng Bình - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh phát biểu khai mạc Hội nghị

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, thách thức như: Nhận thức của một bộ phận cán bộ và người dân về chuyển đổi số còn chưa thực sự đầy đủ, chưa sẵn sàng tiếp cận công nghệ số; kỹ năng số cơ bản và thói quen sử dụng công nghệ số còn hạn chế. Việc kết nối, chia sẻ và đưa vào khai thác sử dụng các dịch vụ chia sẻ dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin có phạm vi từ Trung ương đến địa phương còn chậm, chưa khai thác sử dụng một cách đồng bộ, hiệu quả.Tỷ lệ hồ sơ TTHC được thanh toán trực tuyến chưa cao do người dân đã quen với việc thanh toán trực tiếp. Kinh tế số, xã hội số chưa có bước chuyển biến rõ nét; tỷ trọng kinh tế số trong tổng quy mô GRDP của tỉnh so các các tỉnh/thành phố chưa cao; mức độ chuyển đổi số trong các doanh nghiệp còn chậm. Nguồn nhân lực tham mưu/phụ trách hoạt động chuyển đổi số tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn thiếu; hoạt động của Tổ Công nghệ số cộng đồng cấp xã, thôn chưa thật sự hiệu quả. Việc triển khai nhiệm vụ/dự án chuyển đổi số trong các năm còn chậm.

Nhiều kết quả đạt được trong công tác chuyển đổi số 9 tháng năm 2024

Hội nghị đã trình chiếu phóng sự phản ánh những kết quả đạt được trong công tác chuyển đổi số của tỉnh Bắc Kạn từ đầu năm 2024 tới nay.

Theo đó, năm 2024, tỉnh Bắc Kạn tiếp tục quan tâm, chỉ đạo thúc đẩy công tác chuyển đổi số, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của doanh nghiệp và người dân nên chuyển đổi số đã có những chuyển biến tích cực.

Tỉnh hiện đang triển khai 37 nhiệm vụ, dự án CNTT nhằm hoàn thiện hạ tầng, dữ liệu, hệ thống phần mềm chuyên ngành dùng chung. Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP) được hoàn thành là trung gian phục vụ kết nối giữa các hệ thống thông tin lớn trong và ngoài tỉnh. Số thuê bao truy nhập Internet băng rộng tăng hơn 27 nghìn thuê bao so với năm 2023. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng băng rộng cố định FTTH tăng 2,32%. Số thuê bao điện thoại di động sử dụng thiết bị điện thoại thông minh tăng hơn 9 nghìn thuê bao, tỷ lệ tăng 2,8%. Đặc biệt, số lượng thiết bị hỗ trợ công nghệ 5G đạt trên 25 nghìn thiết bị. Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh đã mở rộng kết nối, chia sẻ dữ liệu đến các hệ thống hoàn thiện chức năng, tính năng. Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh hoàn thành nhiều hạng mục nâng cấp quan trọng, đồng thời đã cài đặt, vận thành thêm 14 phần mềm chuyên ngành và dùng chung toàn tỉnh, nâng số lượng cài đặt tại đây lên 41.

 

Quang cảnh Hội nghị

Trong xây dựng chính quyền số, tỉnh đã quan tâm, đầu tư, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, ở tất cả các lĩnh vực. Tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử duy trì tốt với tỷ lệ 100%, trong đó khoảng 98% gửi điện tử hoàn toàn không dùng bản giấy, đã giúp tiết kiệm trên 10 tỷ đồng chi phí hành chính. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính ngày càng hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu cung cấp dịch vụ cho người dân. Chất lượng sử dụng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh được cải thiện ở nhiều chỉ số quan trọng. Đến giữa tháng 9/2024, đạt 81,1% trên tổng số dịch vụ công trực tuyến, 63,7% thủ tục hành chính của tỉnh được cung cấp thành dịch vụ công trực tuyến toàn trình, chưa đạt chỉ tiêu đề ra là 80%, tuy nhiên, hiện tại các đơn vị, địa phương đang tích cực rà soát, tái cấu trúc TTHC, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu đã đề ra. Đặc biệt, tỷ lệ hồ sơ phát sinh trực tuyến đạt 73,4% trên tổng số hồ sơ; tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia đạt 58,8%, tăng mạnh so với năm 2023 lần lượt là 29,2% và 53,1%.

Hưởng ứng ngày chuyển đổi số quốc gia, ngày chuyển đổi số tỉnh năm 2024, tỉnh đã chỉ đạo Tổ Công nghệ số cộng đồng thực hiện chiến dịch ra quân trong 10 ngày (từ 01-10/10) với nội dung “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người dân sử dụng dịch vụ, ứng dụng để phát triển kinh tế số”.

Tại các huyện, thành phố, các hoạt động chuyển đổi số diễn ra khá sôi động, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung như: Huyện Na Rì đã tổ chức hội nghị tập huấn cho tổ công nghệ số cộng đồng, là huyện đầu tiên trong tỉnh tổ chức xong Ngày hội chuyển đổi số cấp xã tại 17/17 địa phương, kết quả thành công khi thu hút được gần 6.000 lượt người tham dự. Thành đoàn thành phố Bắc Kạn tổ chức Chương trình ra quân Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè năm 2024 và ngày hội chuyển đổi số với gầnn 300 đoàn viên, hội viên tham gia tuyên truyền, hỗ trợ giúp 1.100 lượt người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến; UBND phường Sông Cầu chủ động xây dựng Chatbot trên kênh Zalo của phường; UBND huyện Ba Bể thông qua hoạt động livestream bán hàng qua mạng xã hội đã giúp quảng bá, nâng cao doanh số bán hàng các sản phẩm của huyện tại Ngày hội nông sản OCOP và văn hóa ẩm thực 6 tỉnh Việt Bắc năm 2024 …

05 tham luận được trình bày tại Hội nghị

Trong phần thảo luận, các đại biểu đã nhìn nhận, phân tích, đánh giá lại những khó khăn, hạn chế để cùng nhau trao đổi, thảo luận và đưa ra các hướng giải pháp hiệu quả để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn phát triển.

Đặc biệt, Hội nghị đã nghe nhiều kinh nghiệm quý báu từ sự chia sẻ thông tin, định hướng của đồng chí Lê Anh Tuấn, Phó Vụ Trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông với chủ đề: “Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”.

Hội nghị đã nghe Ông Lê Xuân Sơn - Phó Tổng Giám đốc Công ty công nghệ thông tin VNPT IT tham luận về chủ đề “Trung tâm dữ liệu - Hạ tầng số đổi mới sáng tạo”.

Ông Lê Bá Huy, Giám đốc tư vấn giải pháp Chuyển đổi số Chính phủ - Công ty Trách nhiệm hữu hạn FPT IS tham luận về định hướng chuyển đổi số hướng đến công dân các tỉnh, thành phố.

Đồng chí Lê Ngọc Quyến, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới tham luận về kết quả xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số của huyện Chợ Mới.

Đồng chí Vũ Việt Hưng, đại diện Tổ công nghệ số cộng đồng phường Sông Cầu Tham luận về kết quả hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng tại phường Sông Cầu năm 2024.

Tham luận của Bộ Thông tin và Truyền thông với chủ đề: “Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”

Tổng kết trao giải Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn năm 2024

Tại Hội nghị, Ban Tổ chức “Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn năm 2024” đã công bố Quyết định số 208/QĐ-BTC ngày 04/10/2024 về việc công nhận kết quả và trao giải thưởng Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu về Chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn” năm 2024.

       Cuộc thi diễn ra từ ngày 26/8 đến 26/9/2024, thu hút 27.002 người dự thi, trong đó có 6.660 người dân, 20.342 can bộ công chức, viên chức tham gia, tăng hơn năm 2023 gần 6 nghìn người; có 72 giải thưởng tập thể, cá nhận được trao tặng.

Giải thưởng dành cho cá nhân thuộc đối tượng dự thi thuộc nhóm 1 (Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang công tác tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức hội, đoàn thể và lực lượng vũ trang của tỉnh) gồm: 01 giải Nhất; 03 giải Nhì; 05 giải Ba; 10 giải Khuyến khích. Giải nhất thuộc về ông Nông Thanh Nghị - Công an Xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm. Giải thưởng dành cho cá nhân thuộc đối tượng nhóm 2 (nhân dân trên địa bàn tỉnh) gồm: 01 giải Nhất; 05 giải Nhì; 10 giải Ba; 15 giải Khuyến khích. Giải nhất thuộc về bà Nguyễn Thị Lin (Tiểu khu 5, thị trấn Chợ Rã, huyện Ba Bể).

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh trao giải Nhất cho bà Nguyễn Thị Lin (Tiểu khu 5, thị trấn Chợ Rã, huyện Ba Bể)

 Nhiệm vụ chuyển đổi số 03 tháng cuối năm 2024

Phát biểu bế mạc Hội nghị, thay mặt Lãnh đạo UBND tỉnh, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình trân trọng cảm ơn sự quan tâm, chia sẻ và các ý kiến đóng góp của Lãnh đạo Vụ Kinh tế số, Xã hội số - Bộ Thông tin và Truyền thông, đại diện Công ty công nghệ thông tin VNPT IT, Công ty FPT IS và các đại biểu tham dự tại các điểm cầu cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Đồng thời, xin tiếp thu và giao Sở Thông tin và Truyền thông - Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh nghiên cứu các ý kiến đề xuất của các đại biểu để tham mưu cho UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh chỉ đạo, thực hiện trong thời gian tới.

Để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, đồng chí bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm phối hợp, tạo điều kiện, giúp đỡ về chuyên môn từ Bộ Thông tin và Truyền thông nói chung và Vụ kinh tế số, xã hội số nói riêng cũng như sự đồng hành, hỗ trợ, tư vấn từ các doanh nghiệp viễn thông - CNTT đối với hoạt động chuyển đổi số của tỉnh Bắc Kạn.

Về nhiệm vụ chuyển đổi số 03 tháng cuối năm 2024, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Lãnh đạo/Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục bám sát chủ đề chuyển đổi số năm 2024 là “Phát triển kinh tế số với 04 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số” để tập trung, chỉ đạo đôn đốc triển khai các nhiệm vụ theo Kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh và của cơ quan, đơn vị, địa phương; đảm bảo phấn đấu đạt các chỉ tiêu chung đã đề ra. Đồng thời, thực hiện tốt một số nội dung sau: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông về chuyển đổi số; tăng cường công tác bồi dưỡng nâng cao kỹ năng số cơ bản, tạo và duy trì thói quen sử dụng công nghệ số cho cán bộ, công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp. Mỗi cơ quan, đơn vị, địa phường cần tận dụng tối đa các nguồn lực, cơ hội để phát triển Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương cần nêu gương, tiên phong trong việc thử nghiệm, triển khai các mô hình mới, cách làm hay trong chuyển đổi số để làm điểm, từ đó, đánh giá, nhân rộng. Duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Tổ chuyển đổi số cộng đồng trên địa bàn tỉnh; tiếp tục duy trì việc triển khai và nhân rộng mô hình xã chuyển đổi số. Tập trung thúc đẩy, phát triển hoạt động kinh tế số, xã hội số góp phần tăng tỷ lệ đóng góp của kinh tế số vào GRDP của tỉnh; đẩy mạnh việc triển khai các ứng dụng, phần mềm, nền tảng dùng chung, thiết yếu phục vụ người dân, doanh nghiệp…

 

Đại biểu tham quan, trải nghiệm các giải pháp, sản phẩm chuyển đổi số 

 

Trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu tại điểm cầu trung tâm đã tham quan, trải nghiệm các giải pháp, sản phẩm chuyển đổi số tại các gian hàng trưng bày./.

Nguyễn Thị Nga