Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hội nghị toàn quốc về nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến

( Cập nhật lúc: 09/09/2024  )

Sáng 31/8, tại Đà Nẵng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề về “Nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến”. Tại điểm cầu Bắc Kạn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Hưng chủ trì với sự tham gia thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số tỉnh.

Tại điểm cầu trung tâm tại Trung tâm Hành chính công thành phố Đà Nẵng còn có sự tham dự có đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh, chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan và lựa chọn chiến lược của nhiều quốc gia. Trong những năm qua, Đảng, Chính phủ rất quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt chuyển đổi số quốc gia. Quá trình triển khai, trên tinh thần những việc đã làm tốt rồi thì làm tốt hơn, những mục tiêu có khả năng đạt được thì cần tăng tốc, những gì chưa đạt được thì phải có giải pháp đột phá, do đó, Chính phủ triển khai Hội nghị chuyên đề tại 1 địa phương – thành phố Đà Nẵng. Đây là một trong những địa phương đi đầu trong xây dựng chính phủ số, đạt hiệu quả nổi trội; việc tổ chức Hội nghị tại đây nhằm hoan nghênh, động viên Đà Nẵng, đồng thời để các bộ, ngành, địa phương nhìn nhận, cũng như chia sẻ, học tập Đà Nẵng và cùng chung tay để xác định những vấn đề trọng tâm, những hướng đi mới trong thúc đẩy nâng cao hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến theo chiều sâu trong thời gian tới.

Thủ tướng ghi nhận, thời gian qua, chúng ta đã làm được nhiều việc, chuyển đổi số được thúc đẩy phát triển mạnh mẽ từ Trung ương đến địa phương, từ thành thị đến nông thôn; tư duy, hành động, thói quen của cơ quan nhà nước và người dân, doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục hành chính đã từng bước được thay đổi, chuyển dần từ giấy tờ truyền thống sang môi trường mạng, giúp nâng cao hiệu quả và năng suất các hoạt động kinh tế, xã hội.

 

Ảnh: Đồng chí Phạm Duy Hưng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Bắc Kạn

 Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cũng đánh giá những tồn tại hạn chế, khó khăn thách thức, bài học kinh nghiệm để chuyển đổi mạnh mẽ việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, mang lại những giá trị thật sự cho người dân, cho công tác điều hành và phục vụ xã hội. Thủ tướng nhấn mạnh: "Thực tiễn cũng cho thấy, không có gì là không thể. Vấn đề là có quyết tâm làm, có biết cách làm, cách huy động nguồn lực, sức mạnh của người dân và doanh nghiệp; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị hay không. Tinh thần là "chỉ bàn làm, không bàn lùi", "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm", "đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã bàn là phải thông, đã ra quân là chiến thắng".

Trong chương trình hội nghị, nhằm đánh giá đa dạng các hoạt động cung cấp dịch vụ công trực tuyến, ghi nhận những cách làm hay, những khó khăn vướng mắc, những kiến nghị đề xuất của các bộ, ngành, địa phương, hội nghị đã nghe trình bày nhiều bài tham luận sâu sắc, cụ thể như: Bộ Nội Vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo, thành phố Đà Nẵng, thành phố Hải Phòng, …. Với kinh nghiệm thực tiễn đã triển khai, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã trình bày những kết quả, cách làm mà thành phố đã thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến thời gian qua, đồng thời, đưa ra 2 đề xuất để Thủ tướng, các Bộ ngành xem xét cho phép và hỗ trợ Đà Nẵng triển khai trước 02 giải pháp mới đã sẵn sàng ngay trong năm 2024 và 05 kiến nghị cần hướng dẫn, hỗ trợ của Bộ, ngành để Đà Nẵng nói riêng, các địa phương triển khai căn cơ, toàn hiện hơn trong triển khai cung cấp DVCTT hiệu quả hơn trong thời gian tới. Những nội dung đề xuất đã thể hiện sự phát triển trong tư duy, nhận thức triển khai dịch vụ công trực tuyến của các địa phương, chuyển dịch từ sự phát triển theo chiều rộng sang tập trung vào chiều sâu, để thật sự thay đổi quy trình, cách thức làm việc và cung cấp dịch vụ của cơ quan nhà nước.

 

Ảnh: Điểm cầu Bắc Kạn dự Hội nghị “nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến”

Trên cơ sở những nội dung báo cáo, tham luận tại Hội nghị, phát biểu kết luận, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo: Về quan điểm, định hướng thời gian tới, Thủ tướng khẳng định, chuyển đổi số có vai trò rất quan trọng, góp phần thay đổi phương thức lãnh đạo, chỉ đạo trong tình hình mới, phù hợp, hiệu quả, nâng cao năng lực phản ứng chính sách. Để thúc đẩy mạnh mẽ dịch vụ công trực tuyến, Thủ tướng chỉ rõ 1 mục tiêu, 2 trụ cột, 3 đột phá, 4 không và 5 tăng cường trong triển khai, cụ thể:

1 mục tiêu chung là cắt giảm chi phí tuân thủ, thời gian thực hiện, tạo thuận lợi và phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp;

2 trụ cột gồm: kiên quyết cắt giảm thủ tục hành chính nội bộ và tạo thực hiện thuận lợi dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp.

3 đột phá là: pháp lý hóa, số hóa và tự động hóa;

4 không gồm: không giấy tờ, không tiền mặt, không tiếp xúc nếu pháp luật không quy định và không để ai bị bỏ lại phía sau.

5 tăng cường gồm: Tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, quy định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, từng cấp, từng ngành và tăng cường giám sát, kiểm tra; Tăng cường công khai, minh bạch, đơn giản hóa thủ tục hành chính gắn với tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu; Tăng cường đầu tư hạ tầng số; Tăng cường đối thoại, xử lý vướng mắc phát sinh; đẩy mạnh kỷ luật, kỷ cương, đẩy lùi tiêu cực; Tăng cường kiến thức, kỹ năng số, phát triển nhân lực số đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Tại Hội nghị, nhằm đạt được các mục tiêu về phát triển dịch vụ công trực tuyến theo hướng toàn trình tại Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 (theo Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ), Bộ Thông tin và Truyền thông đã trình bày dự thảo Khung triển khai dịch vụ công trực tuyến để hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Theo đó, 4 nhóm giải pháp rất cụ thể đã được Bộ Thông tin và Truyền thông tổng hợp, hướng dẫn để các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ trong cả nước gồm: (1) Tái cấu trúc quy trình, thành phần hồ sơ trong thủ tục hành chính; (2) Nâng cao chất lượng hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính; (3) Phát triển hạ tầng số; (4) Xây dựng Kho dữ liệu số; (5) Đào tạo nhân lực số; (6) Bảo đảm an toàn, an ninh mạng; (7) Thực hiện đo lường, giám sát trực tuyến./.

Hồng Cương