Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Triển khai Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn

( Cập nhật lúc: 15/11/2023  )

UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định về kế hoạch triển khai Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Phát triển kinh tế số và xã hội số với trọng tâm là xây dựng các nền tảng số dùng chung, thống nhất trong từng ngành, lĩnh vực để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực; đẩy mạnh việc ứng dụng, triển khai các giải pháp công nghệ số và dữ liệu số trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 

Mục tiêu phát triển xã hội số đến năm 2025, tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 95%.

Ảnh: Trao điện thoại thông minh cho người dân xã Nghĩa Tá huyện Chợ Đồn

Phát huy sự sáng tạo của người dân trong xã hội số; đặt người dân, doanh nghiệp vào vị trí trung tâm, hướng tới xây dựng chính quyền kiến tạo phục vụ, mang lại tiện ích, hiệu quả cao nhất cho người dân và doanh nghiệp. Qua đó góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao hiệu lực quản lý của chính quyền các cấp và chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn tỉnh…

Mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm từ 15% - 20% GRDP của tỉnh; tỷ lệ hộ gia đình có cửa hàng số cho người mua và người bán giao dịch trên nền tảng thương mại điện tử đạt trên 50%; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 50%....

Đến năm 2030, phấn đấu kinh tế số chiếm từ 25% - 30% GRDP của tỉnh; tỷ lệ hộ gia đình có cửa hàng số trên nền tảng thương mại điện tử trên 80%; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 70%.

Mục tiêu phát triển xã hội số đến năm 2025, tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 95%; tỷ lệ hộ gia đình được phủ mạng Internet băng rộng cáp quang đạt 80%; tỷ lệ các cơ sở đào tạo cao đẳng, giáo dục nghề nghiệp hoàn thiện được mô hình quản trị số, hoạt động số, chuẩn hoá dữ liệu số, kho học liệu số mở đạt 80%; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; 100% người dân và doanh nghiệp được trợ lý ảo hỗ trợ thực hiện thủ tục hành chính, sử dụng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh… Đến năm 2030, tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 95%; tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khai thác đạt trên 95%; phổ cập dịch vụ mạng di động 5G...

Theo đó, tỉnh sẽ lộ trình hóa và thông minh hóa các lĩnh vực hạ tầng thiết yếu phục vụ kinh tế số và xã hội số gồm: Hạ tầng bưu chính; hạ tầng giao thông; hạ tầng cung cấp điện; hạ tầng thủy lợi và ứng phó với biến đổi khí hậu; hạ tầng đô thị; hạ tầng thương mại, công nghiệp và năng lượng; hạ tầng giáo dục và đào tạo; hạ tầng khoa học và công nghệ; hạ tầng y tế; hạ tầng văn hóa, thể thao, du lịch…

Đẩy mạnh phát triển hạ tầng kết nối số cho người dân; phủ mạng cáp quang, mạng di động băng rộng đến tất cả các thôn, tổ, khu vực dân sinh trên địa bàn tỉnh; tăng nhanh tỷ lệ người dùng Internet, đặc biệt ở khu vực nông thôn; nâng cao dung lượng kết nối và chất lượng dịch vụ mạng, phủ sóng chất lượng ở các vùng trắng, vùng lõm về kết nối mạng băng thông rộng. Phát triển nền tảng địa chỉ số, bản đồ số tạo hạ tầng mềm phục vụ phát triển kinh tế số và xã hội số.

Triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát và logistic chuyển đổi số; chương trình hỗ trợ các cơ sở, cửa hàng bán lẻ chuyển đổi số; chương trình hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể chuyển đổi số, kinh doanh trên sàn thương mại điện tử. Hỗ trợ, thúc đẩy phát triển nền tảng quản trị tổng thể, nền tảng kế toán dịch vụ, nền tảng tối ưu hóa chuỗi cung ứng, nền tảng thương mại số nông nghiệp.../.

Lường Xuyến