UBND TỈNH CHỈ ĐẠO TIẾP TỤC DUY TRÌ VIỆC TRIỂN KHAI THÍ ĐIỂM CHUYỂN ĐỔI SỐ CẤP XÃ
( Cập nhật lúc:
25/05/2024
)
Để phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi số tại 8 xã/phường thực hiện thí điểm năm 2023, tiến tới hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra; đồng thời, tạo nền tảng cho các địa phương nghiên cứu, xem xét việc nhân rộng mô hình xã/phường/thị trấn thí điểm chuyển đổi số phù hợp với khả năng, điều kiện của địa phương, ngày 15/5/2024, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành Công văn số 3195/UBND-VXNV, tiếp tục duy trì việc triển khai thí điểm chuyển đổi số cấp xã.
Theo đó, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương tiếp tục duy trì việc triển khai thí điểm chuyển đổi số tại 8 xã/phường gồm: Phường Sông Cầu (thành phố Bắc Kạn); xã Quang Thuận (huyện Bạch Thông); xã Thượng Giáo (huyện Ba Bể); xã Nghĩa Tá (huyện Chợ Đồn); xã Như Cố (huyện Chợ Mới); xã Đức Vân (huyện Ngân Sơn); xã Côn Minh (huyện Na Rì); xã Giáo Hiệu (huyện Pác Nặm). Đồng thời, trên cơ sở kết quả đạt được trong năm 2023, UBND các huyện, thành phố nghiên cứu, xem xét việc nhân rộng mô hình xã/phường/thị trấn thí điểm chuyển đổi số đảm bảo phù hợp với khả năng, điều kiện của địa phương.
Để triển khai chủ trương trên, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh như sau:
Các sở, ngành của tỉnh được phân công phụ trách, theo dõi, giúp đỡ 08/xã phường nêu trên (theo Quyết định số 1431/QĐ-UBND ngày 09 tháng 8 năm 2023 của UBND tỉnh) chủ động phối hợp với UBND các huyện, thành phố tiếp tục quan tâm, đầu tư/hỗ trợ các xã/phường duy trì và hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra tại Kế hoạch số 369/KH-UBND ngày 14/6/2023 của UBND tỉnh đảm bảo chất lượng, hiệu quả.
Ảnh: Ngày hội chuyển đổi số – một trong những hoạt động nổi bật trong chuỗi hoạt động triển khai thí điểm chuyển đổi số cấp xã năm 2023
UBND các huyện, thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn các xã/phường thí điểm chuyển đổi số xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số trong năm 2024. Đồng thời, căn cứ điều kiện thực tế của địa phương để chỉ đạo, triển khai thêm một số nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số phù hợp khác. Trên cơ sở kết quả đạt được trong năm 2023, UBND các huyện, thành phố nghiên cứu, xem xét việc nhân rộng mô hình xã/phường/thị trấn thí điểm chuyển đổi số đảm bảo phù hợp với khả năng, điều kiện của địa phương.
Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm hỗ trợ, tư vấn, theo dõi, hướng dẫn việc triển khai thí điểm chuyển đổi số cấp xã trong năm 2024 và các năm tiếp theo của các địa phương. Đồng thời, tổng hợp báo cáo kết quả triển khai gửi UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh theo quy định.
Trong công tác phối hợp, UBND tỉnh đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức đoàn thể tỉnh tích cực phối hợp, triển khai các hoạt động chuyển đổi số tại các địa phương, đặc biệt là tại các xã/phường triển khai thí điểm; phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, khuyến khích, vận động các hội viên, đoàn viên tích cực ứng dụng các nền tảng/phần mềm/tiện ích chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh đề nghị các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông - công nghệ thông tin và các ngân hàng thương mại hoạt động trên địa bàn tỉnh tiếp tục quan tâm, phối hợp, đồng hành cùng với tỉnh và các địa phương thúc đẩy quá trình phát triển chuyển đổi số; hỗ trợ người dân cài đặt các ứng dụng số, đẩy mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong các giao dịch…./.
Hoạt động Thí điểm triển khai thực hiện chuyển đổi số tại các xã/phường/thị trấn trên địa ban tỉnh được UBND tỉnh chỉ đạo từ năm 2023 theo Kế hoạch số 369/KH-UBND ngày 14/6/2023. Thực hiện kế hoạch, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp cùng 08 sở, ngành; 04 doanh nghiệp bưu chính-viễn thông; UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện chuyển đổi số tại 08 xã/phường được chọn với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực như: Rà soát, hoàn thiện lại hệ thống mạng LAN, thiết bị CNTT; chứng thư số chuyên dùng phục vụ việc ký số điện tử cho cán bộ, công chức, trong đó tập trung là cán bộ công chức bộ phận 1 cửa để số hoá hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính theo quy định, mua sắm máy tính/máy scan cho bộ phận 1 cửa từ nguồn kinh phí UBND tỉnh giao; lắp đặt điểm wifi công cộng, tập trung tại bộ phận 1 cửa để phục vụ người dân, doanh nghiệp đến giao dịch hoặc các khu vực nhiều cửa hàng mua bán, cấp phát điện thoại thông minh; tổ chức Ngày Hội chuyển đổi số; triển khai mô hình Chợ 4.0; tư vấn, hỗ trợ các hợp tác xã thúc đẩy hoạt động bán hàng online, bán hàng trên các sàn thương mại điện tử; …..
Hoạt động đã mang lại hiệu quả tích cực cho các đơn vị địa phương, thay đổi đáng kể nhận thức và tạo nên làn sóng chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực. Qua đó, mang lại những thay đổi trong triển khai xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, thúc đẩy xã hội số tại địa phương với những con số nổi bật như tỷ lệ thanh toán trực tuyến các khoản phí, lệ phí hồ sơ giải quyết TTHC của phường Sông Cầu tăng từ 0,1% lên 10,7%; xã Quang Thuận tăng từ 2,0% lên 8,3%); tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của các đơn vị đạt khá cao: Tỷ lệ hồ sơ phát sinh trực tuyến của các DVCTT toàn trình của phường Sông Cầu đạt 91%, xã Đức Vân đạt 99%, …).cấp huyện và tại các xã thí điểm và các doanh nghiệp đã chủ động và tích cực tham gia triển khai công tác chuyển đổi số
|