Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Chuyển đổi số, cơ hội nào cho Bắc Kạn?

( Cập nhật lúc: 12/01/2021  )

Ngày 03/6/2020 Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Đây là một trong 10 sự kiện kinh tế, xã hội nổi bật năm 2020 được VnExpress đánh giá. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng Covid-19 là "Cú hích trăm năm" đưa đất nước chuyển đổi số, bứt phá, thay đổi thứ hạng.

Vậy “chuyển đổi số” là gì? Và vì sao cần “chuyển đổi số”?

“Chuyển đổi số” được hiểu là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Kinh tế số không chỉ giúp tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, thoát bẫy thu nhập trung bình mà còn mở ra một không gian phát triển mới, tạo ra những giá trị mới ngoài các giá trị truyền thống vốn có. Chính phủ số giúp Chính phủ, chính quyền hoạt động hiệu quả, hiệu lực hơn, minh bạch hơn, phòng, chống tham nhũng tốt hơn. Xã hội số giúp người dân bình đẳng hơn về lựa chọn việc làm, cơ hội tiếp cận dịch vụ xã hội (học tập, chăm sóc sức khỏe, vui chơi, giải trí…), thu hẹp khoảng cách phát triển, giảm bất bình đẳng.

Bắc Kạn vốn được xem là tỉnh giàu tiềm năng với khoáng sản phong phú, thiên nhiên hài hòa, nhiều lợi thế để phát triển du lịch, dịch vụ, con người thân thiện, ham học hỏi, sáng tạo, thích ứng nhanh với cái mới…nhưng vẫn là tỉnh chậm phát triển. “chuyển đổi số” sẽ mở ra cơ hội để Bắc Kạn vươn lên, phát triển cùng các địa phương trong cả nước, góp phần vì một Việt Nam hùng cường và trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

Câu hỏi đặt ra là vậy phải bắt đầu từ đâu và “chuyển đổi số” là việc của ai?

Quyết định số 749/QĐ-TTg có đề cập “Chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức. Một cơ quan, tổ chức có thể tiến hành chuyển đổi số ngay thông qua việc sử dụng nguồn lực, hệ thống kỹ thuật sẵn có để số hóa toàn bộ tài sản thông tin của mình, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, cơ cấu tổ chức và chuyển đổi các mối quan hệ từ môi trường truyền thống sang môi trường số”. Như vậy, có thể khẳng định “chuyển đổi số” quan trọng nhất là chuyển đổi tư duy, nhận thức; mà việc này thì có thể làm ngay lập tức vì nó chỉ phụ thuộc vào mỗi người chúng ta. “chuyển đổi số” như đã nói ở trên là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện; đối với một tổ chức thì việc thay đổi trước tiên là việc của lãnh đạo, của người đứng đầu, đơn cử như lãnh đạo chỉ ký số trên văn bản điện tử thì nhân viên không thể trình bản giấy nữa. Nhà lãnh đạo chuyển đổi số là người có tầm nhìn, thiết lập được mục tiêu cho tổ chức, có niềm tin là công nghệ số, chuyển đổi số sẽ giúp giải quyết những vấn đề đang trì trệ của tổ chức mình và kiên định với mục tiêu đã đề ra. Sau đó, để thay đổi được tổng thể và toàn diện thì phải vận động, có chế tài, lộ trình để tất cả mọi thành viên trong tổ chức tham gia, vào cuộc. Nhà lãnh đạo chuyển đổi số không nhất thiết, cũng không cần hiểu sâu về công nghệ số; điều quan trọng đối với họ là phải biết đưa ra đầu bài về việc chuyển đổi của tổ chức mình. Việc giải bài toán do lãnh đạo đưa ra sẽ là công việc của các chuyên gia công nghệ số. Còn nhớ, năm 1940 khi chuẩn bị về nước lãnh đạo cách mạng, nhiều đồng chí lo ngại lực lượng của ta còn quá yếu, không có vũ khí…sao có thể làm được cách mạng. Bác Hồ đã nói: Vũ khí không phải là vấn đề quan trọng nhất; nếu bây giờ ta có vũ khí thì ai sẽ là người cầm vũ khí. Vì vậy, chúng ta phải về nước và động viên quần chúng; khi nhân dân đứng dậy, họ sẽ tìm ra vũ khí. Bài học này đến nay còn nguyên giá trị; chuyển đổi số, công nghệ không phải là quan trọng nhất mà là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở tất cả các cấp, các ngành, động viên sự tham gia của toàn dân mới là yếu tố đảm bảo sự thành công của chuyển đổi số. Mặt khác, chuyển đổi số phải lấy người dân làm trung tâm; chuyển đổi số sẽ làm xóa nhòa khoảng cách địa lý, mang lại hàng loạt những tiến bộ về chất lượng cuộc sống; với thương mại điện từ người dân tiếp cận thị trường nhanh chóng, bán sản phẩm cho hàng triệu người trên toàn thế giới.

Thực hiện tiết d, điểm 1, mục V quyết định số 749/QĐ-TTg, tỉnh Bắc Kạn đã chọn xã Vi Hương, huyện Bạch Thông để triển khai thử nghiệm chuyển đổi số. được sự hỗ trợ của Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các doanh nghiệp số như: Tập đoàn Công nghệ CMC; Công ty Cổ phần Viễn thông Hà Nội (Hanoi Telecom); Công ty Cổ phần dịch vụ và giải pháp xử lý dữ liệu Vbee, Viettel Bắc Kạn, VNPT Bắc Kạn. Sau một thời gian nỗ lực triển khai, ngày 22/12/2020 đã tổ chức công bố kết quả giai đoạn 1, chuyển đổi số xã Vi Hương; đây là xã đầu tiên trong cả nước có được kết quả này. Chị Lý Thị Quyên, Giám đốc Hợp tác xã Thiên An cho biết: Trước khi chuyển đổi số, thu nhập của xã viên chỉ khoảng 1,5-2 triệu đồng/tháng, nay chuyển đổi số, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, gắn mã QR Code xác định xuất sứ sản phẩm thì lượng hàng bán ra tăng nhiều, thu nhập của xã viên đã đạt trung bình khoảng 4,5trđ/tháng, có người đã đạt 5-6trđ/tháng; quan trọng hơn là HTX tiếp nhận được thông tin từ khách hàng rất nhanh chóng, thuận tiện để nâng cao chất lượng sản phẩm. Nếu chuyển đổi số cả trong các khâu sản xuất, chế biến thì hiệu quả sẽ tăng gấp bội. Đài truyền thanh xã cũng đã được thông minh hóa phần sản xuất chương trình với giải pháp trí tuệ nhân tạo của công ty Vbee; nay người phụ trách đài chỉ cần đưa nội dung văn bản cần tuyên truyền, chọn giọng đọc, chọn giờ phát là đã phát được bản tin mà không cần phát thanh viên. Trạm y tế xã được trang bị hệ thống thiết bị và phần mềm TELEHEALTH để kết nối với các bệnh viên tuyến tỉnh, tuyến trung ương để thực hiện khám, chữa bệnh từ xa, nay không cần về Hà Nội người dân trong xã cũng có thể được khám bệnh từ các Giáo sư, chuyên gia đầu ngành. Chính quyền xã cũng đã quyết tâm làm việc hoàn toàn trên môi trường mạng, tích cực cung cấp thông tin cho nhân dân trên Trang thông tin điện tử của xã, cung cấp nhiều dịch vụ công mức 3, 4; lập các Group để trao đổi thông tin với thôn/bản, phát Wifi công cộng để người dân có phương tiện giao tiếp với chính quyền và tìm hiểu thông tin phục vụ sản xuất, kinh doanh và đời sống dân sinh…Kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu nhưng có thể đánh giá, một xã khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như Vi Hương mà chuyển đổi số được thì có thể nhân rộng diện chuyển đổi số ra các xã khác rồi đến cả huyện, cả tỉnh. Đi trước, đi đầu bao giờ cũng khó khăn, thậm chí chấp nhận thất bại nhưng trong chuyển đổi số, làm trước, làm nhanh lại là lợi thế. Đồng chí Đồng Văn Lưu, Tỉnh ủy viên, Bí thư huyện ủy Bạch Thông cho biết: Sau Vi Hương, huyện sẽ có lộ trình để nhân rộng ra các xã trong huyện; đồng thời, chuyển đổi số cho cả huyện, hướng tới xây dựng huyện thông minh với các tiêu chí hết sức cụ thể, có tính khả thi, phù hợp với trình độ và điều kiện của huyện. Có xã chuyển đổi số, huyện chuyển đổi số, tỉnh chuyển đổi số thì Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới. Đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền, Chính phủ; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và phương thức sống và làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp. Từ kết quả bước đầu của Vi Hương, tác giả có niềm tin sâu sắc rằng chuyển đổi số sẽ mở ra cơ hội để Bắc Kạn vươn lên, phát triển.

Hà Văn Tiến