Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hội nghị Giải pháp nâng cao các chỉ số về kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn

( Cập nhật lúc: 23/12/2022  )

Ngày 12/12/2022, UBND tỉnh Bắc Kạn tổ chức Hội nghị “Giải pháp nâng cao các chỉ số về kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn”. Dự hội nghị có các đồng chí: Trần Minh Tuấn, Vụ Trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông; Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Duy Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình nhấn mạnh: Thời gian qua, nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng chính quyền số - kinh tế số - xã hội số, tỉnh Bắc Kạn đã chú trọng quá trình xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa hoạt động của các cơ quan nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình phát biểu tại Hội nghị

Với việc đẩy mạnh các giải pháp, phần mềm ứng dụng CNTT trong chỉ đạo, điều hành, thúc đẩy quá trình hình thành chính quyền số, kinh tế số, xã hội số cùng với sự quyết tâm, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Bắc Kạn, sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, trong 2 năm vừa qua, tỉnh Bắc Kạn đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong xây dựng hạ tầng viễn thông và CNTT, ứng dụng CNTT, phát triển chính quyền điện tử, xây dựng đô thị thông minh. Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh năm 2021 tăng 5 bậc, chỉ số chuyển đổi số tăng 8 bậc so với năm 2020. Đặc biệt, xếp hạng về chỉ số Nhân lực số, hoạt động kinh tế số nằm trong top20; hạ tầng số nằm trong top 30.

Đ/c Nông Văn Niệp - PGĐ phụ trách Sở TT&TT trình bày báo cáo kết quả chuyển đổi số trong doanh nghiệp vừa và nhỏ

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn, thông qua hội nghị góp phần nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, các hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh về ý nghĩa, tầm quan trọng của hoạt động chuyển đổi số, kinh tế số đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời tăng cường sự tham gia và đồng hành cùng với các cơ quan chức năng của tỉnh trong việc xác định nội dung, giải pháp, lộ trình thực hiện chuyển đổi số của doanh nghiệp đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn thời gian qua, nhận thức về chuyển đổi số của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, công chức, viên chức; các doanh nghiệp và Nhân dân đã bước đầu chuyển biến tích cực. Các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân bước đầu  tích cực tham gia hoạt động trên các sàn TMĐT, sử dụng các ứng dụng, nền tảng số như: Sổ sức khoẻ điện tử, ứng dụng liên lạc zalo, Cổng dịch vụ công của tỉnh, đăng ký và sử dụng tài khoản trên các thiết bị thông minh thanh toán không dùng tiền mặt, ứng dụng công dân số, thanh toán bằng mã QR tại chợ triển khai mô hình Chợ điện tử 4.0...

Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông Trần Minh Tuấn phát biểu về “Định hướng phát triển kinh tế số - xã hội số tỉnh Bắc Kạn đến 2025”

Việc này đã đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, như thu thập được nhiều thông tin đa chiều từ khách hàng, giảm chi phí, rút ngắn thời gian, khoảng cách cho việc xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhận thức về vai trò của chuyển đổi số của một số doanh nghiệp, hợp tác xã chưa cao; các doanh nghiệp chưa mạnh dạn trong việc đầu tư sử dụng các nền tảng số, giải pháp công nghệ mới trong sản xuất kinh doanh…, Điều này đòi hỏi cần có giải pháp phù hợp để nâng cao chỉ số kinh tế số, xã hội số của địa phương.

Trả lời cho vấn đề này, đồng chí Trần Minh Tuấn, Vụ Trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có những nhận định, đánh giá chung về hạ tầng nền tảng số cần có tại Bắc Kạn như Hóa đơn điện tử, sàn thương mại điện tử, phát thanh truyền hình... Đồng thời giới thiệu những mô hình có nét tương đồng, áp dụng công nghệ chuỗi khối Blockchain; các mô hình phát triển nông nghiệp thông minh, chuyển đổi số nông nghiệp mà tỉnh Bắc Kạn có thể tham khảo, xây dựng chính quyền số, xã hội số và kinh tế số.

Tập đoàn VNPT với tham luận “VNPT đồng hành chuyển đổi số tại Bắc Kạn”

Vụ trưởng Trần Minh Tuấn đưa ra những định hướng, kế hoạch phát triển kinh tế số, xã hội số cho tỉnh Bắc Kạn đến 2025. Theo đó, “Thông minh hóa” mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu và phát triển bền vững là mục tiêu khi triển khai xây dựng kinh tế số. Mục tiêu đến 2025: 100% phần mềm dùng chung Bắc Kạn tích hợp Vpostcode; Mỗi hộ gia đình một mã địa chỉ bưu chính; 100% thôn phủ sóng băng rộng di động; mỗi người dân có 1 smartphone; 80 - 90% hộ gia đình có 1 đường cáp quang; mỗi người dân có 1 định danh điện tử - công dân điện tử; mỗi người dân có 1 tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt; mỗi hộ gia đình tham gia sàn TMĐT cho các sản phẩm nông nghiệp; phát triển doanh nghiệp công nghệ số để thúc đẩy chuyển đổi số cho các ngành nông nghiệp, y tế, giáo dục, du lịch, môi trường; nâng cao tỷ lệ chi ngân sách cho các dịch vụ và giải pháp an toàn, an ninh mạng và chuyển đổi số..  

Các chuyên gia, doanh nghiệp cũng mang đến Hội nghị những tham luận quan trọng như: Tham luận "Chuyển đổi số - xu hướng tất yếu của doanh nghiệp tỉnh Bắc Kạn trong hội nhập và phát triển" của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh; Tham luận “VNPT đồng hành chuyển đổi số tại Bắc Kạn” của Tập đoàn VNPT; Tham luận “Viettel đồng hành cùng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME)” của Chi nhánh Viettel Bắc Kạn… Đại biểu dự Hội nghị cũng trao đổi, chia sẻ với đại diện Vụ Kinh tế số và Xã hội số, các sở, ngành liên quan và các doanh nghiệp về các nền tảng số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Hưng phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Hưng đánh giá, khó khăn lớn nhất trong chuyển đổi số của các doanh nghiệp đó là thay đổi thói quen. Để thay đổi thói quen trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của một doanh nghiệp phụ thuộc chủ yếu vào quyết tâm của người đứng đầu. Thách thức lớn nhất của chuyển đổi số trong doanh nghiệp là nhận thức. Chuyển đổi số là vấn đề nhận thức chứ không phải là vấn đề công nghệ, là chuyện dám làm, dám thay đổi thói quen, cách làm mới hay không dám làm của người lãnh đạo. Như vậy, chuyển đổi số có thành công hay không hoàn toàn phụ thuộc với người lãnh đạo doanh nghiệp.

Để triển khai có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế số, xã hội số, đặc biệt là hoạt động chuyển đổi số cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân về chuyển đổi số nói chung và kinh tế số, xã hội số nói riêng; chú trọng việc khơi gợi tinh thần chủ động, quyết tâm thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số trong mỗi người dân, doanh nghiệp.

Sở Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển nền tảng số quốc gia trên địa bàn tỉnh; tiếp tục tổ chức các lớp bồi dưỡng, đào tạo kỹ năng số cho cán bộ, doanh nghiệp, người dân. Chủ động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số; nghiên cứu thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp số. Đề nghị Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phối hợp đánh giá xếp loại mức độ chuyển đổi số trong doanh nghiệp; quan tâm, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tỉnh thực hiện quá trình chuyển đổi số.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh bày tỏ mong muốn Vụ Kinh tế số và Xã hội số - Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tỉnh Bắc Kạn triển khai các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số cho doanh nghiệp một cách hiệu quả, thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương./.





Phạm Thị Thu Hiền