Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Kết quả xếp hạng ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử năm 2019. Bắc Kạn với điểm nhấn về cung cấp dịch vụ công trực tuyến

( Cập nhật lúc: 10/11/2020  )

Tháng 6/2020, Bộ Thông tin và Truyền thông công bố Chỉ số và xếp hạng tổng thể mức độ ứng dụng CNTT của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2019. Theo đó, tỉnh Bắc Kạn xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tăng 10 bậc so với chỉ số xếp hạng năm 2018 (26/63), nhưng vẫn thấp hơn 03 bậc so với năm 2017 (13/63). Chỉ số đánh giá, xếp hạng mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của cơ quan nhà nước đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được đánh giá với 06 hạng mục là: (1) Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin; (2) Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước; (3) Hoạt động của Trang/Cổng thông tin điện tử (Cung cấp, cập nhật thông tin; các chức năng hỗ trợ trên trang/cổng thông tin điện tử); (4) Kết quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến; (5) Các cơ chế, chính sách và quy định cho ứng dụng công nghệ thông tin và (6) Nhân lực cho ứng dụng công nghệ thông tin. Mỗi hạng mục được kiểm tra, tính điểm; tổng điểm của các hạng mục được sử dụng để xếp hạng tổng thể cho các tỉnh, thành phố. Số liệu được sử dụng trong báo cáo để công bố Chỉ số và xếp hạng tổng thể mức độ ứng dụng CNTT của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được tổng hợp từ báo cáo tình hình ứng dụng CNTT quý IV năm 2019 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và qua kiểm tra trực tuyến trên trang/cổng thông tin điện tử của các tỉnh, thành phố. 

Về tổng điểm năm 2019 tỉnh Bắc Kạn được chấm 0,7699 điểm, tăng 0,1079 điểm so với năm 2018 (0,662 điểm). So với đơn vị xếp bậc 1 là tỉnh Thừa Thiên-Huế (được chấm 0,9039 điểm) thì Bắc Kạn còn kém 0,134 điểm. Khoảng cách điểm với đơn vị xếp đầu so sánh năm 2018 cũng đã được rút ngắn lại (năm 2018 Bắc Kạn cách Đà Nẵng là đơn vị dẫn đầu 0,209 điểm). Điểm nhấn trong kết quả xếp hạng ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử năm 2019của tỉnh Bắc Kạn là chỉ số về cung cấp dịch vụ công trực tuyến; chỉ số này xếp thứ 8/63 tỉnh/thành phố. Đây là năm thứ hai tỉnh Bắc Kạn đứng trong TOP 10 tỉnh/thành phố cung cấp dịch vụ công trực tuyến tốt nhất (năm 2017 đứng thứ 02). Tuy nhiên, chỉ số này chủ yếu mới đánh giá về mức độ sẵn sàng của các tỉnh với cách kiểm tra trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử chính thức của UBND tỉnh và Cổng thông tin điện tử của các sở, ngành, huyện, thành phố; việc kiểm tra cũng mới chỉ đánh giá tình trạng hoạt động của dịch vụ xem hệ thống có hoạt động và hoạt động ổn định hay không? Để giữ mức và thăng hạng với chỉ số này trong năm 2020 rất cần các cơ quan, đơn vị, địa phương, cơ sở; đặc biệt là cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị quán triệt và thực hiện tốt Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 21 tháng 5 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về đẩy mạnh sử dụng dịchvụ công trực tuyến, hình thành “Công dân điện tử”. Hạng mục thành phần tăng bậc ấn tượng trong năm 2019 đó là hoạt động của Trang/Cổng thông tin điện tử, tăng 13 bậc từ xếp bậc 55/63 năm 2018 lên bậc 42/63 năm 2019. Điều này đã thể hiện sự quan tâm, cố gắng trong việc cung cấp, cập nhật thông tin, các chức năng hỗ trợ trên trang/cổng thông tin điện tử của tỉnh và các trang thành viên; của Ban biên tập Cổng thông tin điện tử tỉnh cũng như Ban biên tập các trang thành viên. Tuy nhiên, chỉ số thành phần này cùng với chỉ số thành phần nguồn nhân lực cho ứng dụng công nghệ thông tin (xếp thứ 38/63)là hai chỉ số thành phần xếp ở nửa dưới của bảng xếp hạng, rất cần có sự quan tâm với nhiều giải pháp hữu hiệu, quyết liệt hơn nữa của các cấp, các ngành để năm 2020 và những năm tiếp theo tỉnh Bắc Kạn có thứ hạng tốt hơn.

 Hai chỉ số thành phần là Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước của tỉnh năm 2019 đều được xếp hạng 29/63 tỉnh, thành phố (số điểm tương ứng là 0,7965 và 0,8573). Như vậy, có thể thấy là trong những năm tới Bắc Kạn cần quan tâm hơn nữa đến đầu tư hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin. Đối với tỉnh, phải hình thành mạng diện rộng (WAN) và từng bước áp dụng các công nghệ tiên tiến theo mô hình điện toán đám mây; phát triển mới các nền tảng tiện ích và nâng cấp các phần mềm hiện có để có thể sử dụng thuận tiện trên thiết bị di động; quan tâm hình thành, hoàn thiện, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trong các lĩnh vực để sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp nhanh, sát, đúng, trúng hơn, phục vụ tốt cho phát triển kinh tế, xã hội và đời sống dân sinh. Đối với các sở, ngành, huyện/thành phố và xã, phường, thị trấn phải hoàn thiện mạng nội bộ (LAN), quan tâm đầu tư phương tiện, máy móc, các phần mềm chuyên ngành phục vụ công việc. Về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước phải có sự quyết tâm của tất cả cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước để làm việc hoàn toàn trên môi trường mạng, 100% văn bản (không MẬT) phải được hình thành, gửi, nhận, xử lý trên môi trường điện tử; hiểu và áp dụng đúng chữ ký số chuyên dùng của cá nhân cũng như cơ quan, tổ chức trong luân chuyển văn bản điện tử và trong các giao dịch khác. Quan tâm đảm bảo an toàn, an ninh mạng theo hướng lấy phòng là chính, thực hiện ngay từ khi triển khai các dự án công nghệ thông tin về phần cứng, phần mềm; người dùng phải tuân thủ nghiêm túc các quy trình, quy tắc trong đảm bảo an toàn, an ninh mạng

Cũng tại báo cáo này Bộ Thông tin và Truyền thông với vai trò là cơ quan thường trực của Ủy ban Quốc gia xây dựng Chính phủ điện tử cũng đánh giá, xếp hạng 17 bộ, ngành và 07 cơ quan thuộc chính phủ. Theo đó, 03 bộ, ngành dẫn đầu theo thứ tự gồm: Bộ Tài Chính (1), Bộ Công Thương (2), Bộ Thông tin và Truyền thông (3); 03 Bộ, ngành đứng cuối bảng xếp hạng gồm: Bộ Giáo dục và Đào tạo (15), Bộ Nội vụ (16) và Bộ Xây dựng (17); với các cơ quan thuộc Chính phủ thì Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đứng thứ nhất, Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam đứng vị trí cuối bảng

Có thể thấy, trong những năm gần đây Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, trong đó có Bắc Kạn đã quyết tâm, quyết liệt, có nhiều cố gắng trong xây dựng chính phủ điện tử/chính quyền điện tử và đã đạt được những bước tiến quan trọng. Tuy nhiên, để xây dựng thành công chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số cần phải có sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị với những bước đi đột phá, có lộ trình cụ thể, dành nguồn lực xứng đáng để thực hiện nhiệm vụ này./.

Hà Văn Tiến