Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Mục tiêu Chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn và những nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong năm 2024

( Cập nhật lúc: 12/01/2024  )

Năm 2023, Chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và sự tham gia vào cuộc tích cực, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương, của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Qua đó, chuyển đổi số của tỉnh đã được đẩy mạnh theo hướng toàn dân, toàn diện và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tiếp nối những kết quả đó, tại kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh năm 2024, Ủy ban nhân dân tỉnh đã đặt ra những mục tiêu cụ thể, đồng thời, chỉ ra những nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện nhằm đẩy mạnh hơn nữa quá trình chuyển đổi số mang lại những giá trị thiết thực, bền vững hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Một số kết quả nổi bật

Một số cách làm về chuyển đổi số được thực hiện rộng khắp, được sự tham gia ủng hộ của các tổ chức, người dân, doanh nghiệp như: Phát động Chương trình phổ cập điện thoại thông minh cho người dân trưởng thành; UBND tỉnh đã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức tuyên truyền về chuyển đổi số trong Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2023; xây dựng chuyên mục tuyên truyền về Chuyển đổi số phát trên hệ thống thông tin nguồn và truyền thanh cơ sở với tần suất 1 số/tuần đã bước đầu mang lại hiệu quả nhất định.

Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết trong đó quy định giảm 40% phí, lệ phí của một số thủ tục hành chính khi nộp qua hình thức trực tuyến; Ủy ban nhân dân tỉnh thông qua danh mục thủ tục hành chính được cắt giảm thời gian giải quyết khi thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến.

Tỉnh đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ công tác truyền thông về chuyển đổi số; hạ tầng số của tỉnh được mở rộng thêm so với năm 2022 là 69.751 thuê bao điện thoại, 90.462 thuê bao smartphone, 70.191 thuê bao Internet, 1.020 km cáp quang, 210 trạm BTS; Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh tiếp tục được nâng cấp, mở rộng hệ thống máy chủ, thiết bị lưu trữ, cài đặt vận hành thêm cho 09 Hệ thống thông tin của các sở ngành trên trung tâm dữ liệu. Tỷ lệ hồ sơ phát sinh trực tuyến đạt 44%, tăng 14% so với năm 2022, ...

Tặng điện thoại thông minh cho người dân –hoạt động chuyển đổi số thiết thực hướng đến người dân của tỉnh Bắc Kạn năm 2023

Mục tiêu chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn năm 2024

Tiếp nối những kết quả đạt được trong năm qua, năm 2024, tỉnh xác định mục tiêu chung là chuyển đổi số thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ người dân, doanh nghiệp; phục vụ công tác giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến; hoạt động cải cách hành chính; hạ tầng dùng chung, an toàn thông tin và Đề án 06 (Quyết định số 06/QĐ-TTg này 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030) trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, tỉnh đã đề ra một số mục tiêu cụ thể, nổi bật gồm: Tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến được cung cấp thành dịch vụ công trực tuyến toàn trình từ 80% trở lên; Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ trực tuyến trên tổng số dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ: 90%; Tỷ lệ hồ sơ phát sinh trực tuyến toàn trình trên tổng số hồ sơ phát sinh của các DVCTT: 100%; Tỷ lệ hồ sơ phát sinh trực tuyến một phần trên tổng số hồ sơ phát sinh của các DVCTT: 80%; Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến được thiết kế, thiết kế lại nhằm tối ưu hóa trải nghiệm người dùng, khi sử dụng được điền sẵn dữ liệu mà người dùng đã cung cấp trước đó theo thỏa thuận, phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ: 30%; Tỷ lệ cơ quan nhà nước cấp bộ, tỉnh tham gia mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số: 80%; Tỷ trọng kinh tế số trên GRDP: 11%; Tỷ lệ phủ của hạ tầng mạng băng rộng cáp quang tại các hộ gia đình: 76%; Tỷ lệ thuê bao di động sử dụng điện thoại thông minh: 85%; Tỷ lệ người dân có tài khoản định danh điện tử: 60%; Chỉ số chuyển đổi số (DTI) cấp tỉnh: Tăng từ 2 bậc trở lên.

 Để đạt được các mục tiêu đã đề ra trong năm 2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã đề ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp gồm:

Nhóm nhiệm vụ, giải pháp về Chuyển đổi số trong nhận thức, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Ủy ban nhân dân chỉ đạo: Cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh về chuyển đổi số; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chuyển đổi số để tiếp tục nâng cao nhận thức cho người dân; Thúc đẩy các hoạt động đào tạo, tập huấn, tận dụng tối đa nền tảng học trực tuyến đại trà để nâng cao nhận thức, kỹ năng số cho cán bộ, công chức, người dân, doanh nghiệp.

Về thể chế, chính sách: Nghiên cứu, ban hành quy định về trình tự, trách nhiệm lập, thẩm định, trình phê duyệt dự án đầu tư, hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh; quy định về tính pháp lý của dữ liệu số, số hóa dữ liệu và quy chế khai thác, sử dụng dữ liệu của CSDL tỉnh Bắc Kạn. Tham mưu cập nhật Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh theo lộ trình, hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông. Nghiên cứu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh đồng hành cùng chính quyền các cấp trong công cuộc chuyển đổi số; huy động nguồn lực doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số CNTT trên địa bàn tỉnh phát triển. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng CNTT, viễn thông. Tổ chức triển khai cung cấp dữ liệu mở lần đầu của các ngành, lĩnh vực phục vụ các ngành, lĩnh vực khác, các doanh nghiệp để đóng góp vào sự phát triển của doanh nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội.

Về Hoàn thiện đảm bảo hạ tầng số: Tiếp tục triển khai các hệ thống đảm bảo hạ tầng chung của tỉnh. Tiếp tục vận động, triển khai chương trình phổ cập điện thoại thông minh cho người dân để tiến tới mục tiêu: Mỗi người dân trưởng thành có một điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình có khả năng tiếp cận một đường Internet cáp quang băng rộng. Đề nghị các doanh nghiệp viễn thông nghiên cứu, triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo chất lượng đường truyền, dịch vụ mạng; từng bước phủ sóng, giảm tình trạng lõm sóng, sóng không ổn định nhất là tại khu vực vùng sâu, vùng xa. Tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp trung tâm dữ liệu.

Về Nền tảng số: Hoàn thành Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP) và thực hiện kết nối các hệ thống thông tin, CSDL của tỉnh qua LGSP với lộ trình, mục tiêu cụ thể đảm bảo kết nối liên thông với kho dữ liệu dùng chung của tỉnh và các hệ thống khác. Tiếp tục hoàn thiện các hệ thống thông tin theo hướng nền tảng. Nghiên cứu, triển khai ứng dụng các nền tảng số quốc gia do các Bộ ngành triển khai.

Dữ liệu số: Thúc đẩy kết nối, chia sẻ dữ liệu. Tiếp tục xây dựng hoàn thiện các CSDL chuyên ngành theo nhu cầu. Tổ chức triển khai cung cấp dữ liệu mở.

Đảm bảo an toàn thông tin mạng: Hoàn thiện triển khai, nâng cấp và duy trì bảo đảm an toàn thông tin mô hình 4 lớp; triển khai Trung tâm giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng (SOC). Tổ chức các chương trình diễn tập, tập huấn bảo đảm ATTT mạng theo quy định. Tiếp tục thúc đẩy việc xây dựng và phê duyệt hồ sơ đề xuất cấp độ cho 100% hệ thống thông tin của tỉnh. Thực hiện kiểm tra, đánh giá định kỳ an toàn thông tin theo quy định.

Chính quyền số: Nâng cao hiệu quả dịch vụ công trực tuyến. Tiếp tục hoàn thiện chức năng Hệ thống thông tin giải quyết TTHC. Tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát, quản lý thông qua việc theo dõi, đánh giá dữ liệu từ các hệ thống thông tin, CSDL đã triển khai.

Không dùng tiền mặt - giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trên nhiều mặt
(Ảnh: Nguồn: backan.gov.vn)

Kinh tế số: Thúc đẩy, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghệ số tham gia hoạt động trên địa bàn tỉnh. Thúc đẩy chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên theo Quyết định số 676/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Tiếp tục triển khai các hoạt động tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa theo hướng dẫn của các Bộ ngành Trung ương.

Xã hội số: Phát huy vai trò của Tổ công nghệ số cộng đồng, đoàn thanh niên trong tuyên truyền, hỗ trợ người dân sử dụng các ứng dụng số cơ bản, thiết thực hiện nay như: Thúc đẩy người dân thiết lập tài khoản VneID, đặc biệt là định danh điện tử mức độ 2; cài đặt tài khoản DVCTT và tài khoản thanh toán trực tuyến... Tiếp tục phối hợp với các đoàn thể triển khai các hoạt động tuyên truyền, nâng cao kỹ năng số cho người dân. Tiếp tục thu hút sự tham gia đồng bộ của các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin, ngân hàng vào các hoạt động triển khai các ứng dụng số thiết thực, phù hợp cho người dân.

Chi tiết các nội dung trên có tại Kế hoạch số 883/KH-UBND ngày 20/12/2023 của UBND tỉnh Bắc Kạn về kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn năm 2024/.

Hồng Cương