Skip Ribbon Commands
Skip to main content

ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ TRONG PHÒNG, CHỐNG DỊCH, BỆNH COVID-19

( Cập nhật lúc: 23/09/2021  )

         Đại dịch Covid-19 đã tạo nên một cuộc khủng hoảng sâu rộng đối với hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Hậu quả của đại dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng lên mọi mặt đời sống xã hội, đến sức khỏe, tính mạng của từng người dân. Sau gần hai năm chống dịch, với phương châm “Chống dịch như chống giặc”, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân là trên hết, trước hết. Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương và nhân dân cả nước đã chủ động, kịp thời thực hiện các biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt theo hướng “5K+Vacxin và công nghệ” để chủ động phòng, chống dịch. Vậy công nghệ đóng vai trò gì và có tác động như thế nào trong phòng, chống Covid-19?

        Đặc điểm của dịch bệnh Covid-19 là lây truyền qua tiếp xúc, vậy để phòng chống dịch hiệu quả thì chúng ta phải hạn chế tiếp xúc trực tiếp. Tuy nhiên, điều này làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, làm đứt gẫy chuỗi cung ứng và đời sống dân sinh. Công nghệ đã góp phần to lớn giải quyết vấn đề này, việc tổ chức sản xuất thông minh, quản lý sản xuất thông qua các nền tảng công nghệ đã giúp các nhà máy tiếp tục tạo ra sản phẩm; các sàn thương mại điện tử giúp duy trì tốt chuỗi cung ứng…Trong đời sống dân sinh, các ứng dụng như nền tảng khám, chữa bệnh từ xa (TeleHealth), dân hỏi, Bác sĩ trả lời…giúp chăm sóc sức khỏe nhân dân; các hệ thống phần mềm họp trực tuyến giúp việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp được thông suốt; các phần mềm học trực tuyến giúp duy trì việc học tập được diễn ra liên tục…

Kết nối, tư vấn khám, chữa bệnh từ Trạm Y tế xã Vi Hương, huyện Bạch Thông đến Bệnh viện Đại học Y Hà Nội qua hệ thống TeleHealth

          Trong phòng, chống dịch, bệnh Covid-19, đội ngũ những người làm công nghệ đã chủ động, tích cực, tiên phong tạo ra nhiều sản phẩm công nghệ để cùng với đội ngũ Y, Bác sĩ và toàn dân chống dịch hiệu quả. Ngày 04/6/2021 Bộ Thông tin và Truyền thông đã thành lập Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia với sự tham gia chuyên trách của gần 60 công chức, viên chức nhà nước và tham gia cộng tác của gần 1.000 chuyên gia, lập trình viên, kỹ thuật viên của các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam. Các doanh nghiệp công nghệ đã chung tay phòng, chống dịch: Viettel, CMC, Sao Bắc Đẩu, VNPT và FPT đã huy động và cung cấp hạ tầng vào khoảng 400 máy chủ ảo, 10.000 vCPU, 20.000 GB RAM, 300.000 GB SSD. Các Tập đoàn, doanh nghiệp sẵn sàng tăng gấp đôi năng lực hạ tầng tính toán để phục vụ nhu cầu phòng, chống dịch. Hai tuần đầu tháng 9/2021 Viettel,VNPT đã kết nối hệ thống họp trực tuyến từ Trung tâm chỉ huy của Thủ tướng Chính phủ tới tất cả các xã trên toàn quốc. Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia đã huy động 16 doanh nghiệp, tổ chức (Viettel, VNPT, FPT, BKAV, CMC, Sovico, Zalo, LCS, G-Group, QTSC, An vui, MobiFone, Got It, Kompa, STEAM for Vietnam, Filum AI) tham gia phát triển 14 nhóm nền tảng, công cụ công nghệ phòng, chống dịch với trên 20 ứng dụng khác nhau. Cụ thể gồm: 03 nền tảng bắt buộc áp dụng thống nhất toàn quốc là: Nền tảng khai báo y tế điện tử và quản lý vào/ra địa điểm công cộng sử dụng mã QR, Nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm, Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19. Các nền tảng: Hỗ trợ truy vết, Hỗ trợ điều phối chuyển bệnh nhân, Hỗ trợ quản lý cách ly, Luồng xanh vận tải, Hỗ trợ kết nối giúp đỡ và 06 công là: Hỗ trợ đánh giá mức độ thực hiện giãn cách, Hỗ trợ phát hiện người vượt biên trái phép, Hỗ trợ phát hiện người về từ vùng dịch, Hỗ trợ theo dõi và xử lý phản ánh của người dân, Hỗ trợ phân tích dữ liệu, Cẩm nang điện tử phòng, chống dịch Covid-19, đượclựa chọn áp dụng tùy tình hình dịch bệnh ở từng địa phương. Theo thống kê đến hết ngày 06/9/2021 đã có gần 30 triệu người đang sử dụng các nền tảng, công cụ công nghệ phòng, chống dịch. Trong đó,số lượng bản khai y tế điện tử nhập cảnh là 830.000 lượt;số lượng bản khai y tế điện tử tự nguyện của người dân là 46.800.000 lượt;số lượng lấy mẫu xét nghiệm dùng Nền tảng là 2.209.657 lượt;số lượng điện thoại thông minh cài Bluezone là 22.787.491 máy; số lượng điện thoại thông minh cài Sổ Sức khoẻ điện tử 6.684.610 máy.

          Với Nền tảng khai báo y tế điện tử và quản lý vào/ra sử dụng mã QRCode: Người dân có thể khai báo y tế tại địa chỉ https://tokhaiyte.vn hoặc ứng dụng Bluezone và sẽ được cấp 01 mã QR. Với những người không có điện thoại thông minh, có thể nhờ người thân khai hộ để nhận và in mã QR cá nhân.Nền tảng cho phép các địa điểm công cộng quản lý được danh sách người vào/ra; đồng thời, cho phép các cấp chính quyền cơ sở quản lý được toàn bộ các điểm đã đăng ký sử dụng mã QR trên địa bàn.Trên toàn quốc đã có hơn 1,2 triệu địa điểm đăng ký kiểm soát thông qua mã QR. Từ ngày 01/6/2021 đến 06/9/2021 có gần 50 triệu lượt quét mã QR để ghi nhận vào ra tại các địa điểm đăng ký. Tại tỉnh Bắc Kạn, hiện đã có 829 điểm và ghi nhận khoảng 31.000 lượt quét mã hằng tuần. Nền tảng sẽ giúp truy vết nhanh chóng các trường hợp F (nếu có); đồng thời, có thể sử dụng nền tảng này để cấp giấy đi đường điện tử cho người dân, phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch.

          Nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm: Người dân sử dụng mã QR trên Bluezone, hoặc in mã QR ra giấy (nếu được khai hộ)chuyển cho cán bộ xét nghiệm. Thông tin người xét nghiệm sẽ được ghi nhận tự động mà người dân không phải khai trên giấy, do đó giảm được thời gian của quá trình lấy mẫu xét nghiệm. Cán bộ xét nghiệm thông qua Nền tảng sẽ quét mã QR của người xét nghiệm và quét mã QR ống nghiệm để ghép cặp và ghi nhận thông tin cho mẫu xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm sau khi được trả về sẽ được chuyển về Trung tâm công nghệ Quốc gia và đưa lên ứng dụng Bluezone của người dân. Người dân không phải quay lại để lấy kết quả bản giấy, tránh được tụ tập đông người. Việc liên thông kết quả xét nghiệm với các nền tảng khác sẽ tạo thuận lợi cho việc truy vết; trong trường hợp kết quả dương tính, Nền tảng truy vết ngay lập tức sẽ nhận được thông tin, lịch sử tiếp xúc gần, lịch sử ra vào các địa điểm đăng ký mã QR sẽ rà soát để xác định các trường hợp có liên quan đến ca dương tính. Trên toàn quốc đến ngày 06/9/2021 đã hỗ trợ khoảng 2,2 triệu lượt người lấy mẫu xét nghiệm và trả kết quả xét nghiệm qua ứng dụng Bluezone cho 773.310 lượt người. Tại Bắc Kạn, đã tiến hành tập huấn sử dụng nền tảng này, dự kiến đưa vào ứng dụng trong tháng 9/2021.

          Nền tảng quản lý tiêm chủng: Cho phép thực hiện chiến dịch tiêm chủng một cách công khai, minh bạch, thuận tiện từ giai đoạn tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản vắc xin đến việc quản lý đối tượng tiêm, cơ sở tiêm và hỗ trợ thực hiện quản lý buổi tiêm. Theo đó, người dân, doanh nghiệp, tổ chức đăng ký tiêm thông qua Cổng tiêm chủng Covid-19 Quốc gia hoặc ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử. Khi đến lượt tiêm, người dân sẽ nhận được tin nhắn SMS hẹn lịch tiêm, tránh phải chờ lâu tại điểm tiêm và tụ tập đông người.Sau khi tiêm xong, người dân sẽ nhận được chứng nhận tiêm trên ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử, có thể tra cứu trên Cổng tiêm chủng Quốc gia. Chứng nhận tiêm của người dân không chỉ phục vụ cho lần tiêm tiếp theo mà còn phục vụ công tác điều hành, quản lý người dân khi nới lỏng giãn cách xã hội, đưa cuộc sống về trạng thái bình thường mới.Đến ngày 06/9/2021Trên toàn quốc đã có 19.873.811 mũi tiêm thực hiện trên Nền tảng trong tổng số 21.146.684 mũi đã tiêm, đạt tỷ lệ 93,9 %. Tại Bắc Kạn, đến ngày 15/9/2021 hệ thống đã nhập và quản lý 43.381 mũi tiêm, đạt 99,8%. Tuy nhiên, mới có 7.283 điện thoại thông minh cài đặt và 2.675 người đăng ký tiêm thông qua nền tảng quản lý tiêm chủng.

          Có thể khẳng định công nghệ đã và sẽ hỗ trợ tích cực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19; xa hơn nữa đây chính là cơ hội chuyển đổi số cho cả ba trụ cột chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Tuy nhiên, theo tinh thần “chống dịch như chống giặc” thực tế hiện nay Việt Nam đang có trên dưới 20 phần mềm; như vậy, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho người dùng. Ngày 10/9/2021 tại cuộc họp về các giải pháp công nghệ thông tin phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, thống nhất với Bộ Công an, Bộ Y tế để chỉ đạo phát triển một ứng dụng chính thức của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 để người dân sử dụng thuận tiện (tạm gọi là ứng dụng phòng, chống Covid - PcCovid). Một vấn đề hết sức quan trọng là triển khai công nghệ phòng, chống dịch cần xác định rõ thành công 80% nằm ở quyết tâm thực sự của lãnh đạo và mô hình tổ chức quản lý, 20% nằm ở công nghệ. Khi tổ chức triển khai cần tổ chức mạng lưới hỗ trợ rộng khắp đến tận cấp cơ sở. Vì vậy, rất cần có sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở để công nghệ hỗ trợ đắc lực cho phòng, chống dịch và chuyển đổi số.

Hà Văn Tiến