Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hội nghị trực tuyến phổ biến một số điểm mới quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính

( Cập nhật lúc: 26/04/2022  )

Ngày 21/4, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị trực tuyến phổ biến quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Bưu chính. Ông Đỗ Hữu Trí, Phó Chánh thanh tra Bộ chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Bộ Thông tin và Truyền thông.

Tại điểm cầu Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Kạn Ông Nông Văn Niệp, Phó giám đốc Sở chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị gồm có: Thanh tra Sở, Phòng Công nghệ TT &BCVT; Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh và các doanh nghiệp bưu chính trên địa bàn tỉnh.

Các đại biểu dự Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn 

Bà Phạm Thanh Thủy đại diện Thanh tra Bộ đã phổ biến một số điểm mới được sửa đổi bổ sung đối với lĩnh vực Bưu chính trong Nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27/01/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử và Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản là việc niêm yết công khai giá cước dịch vụ bưu chính để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động bưu chính của các doanh nghiệp.

Theo đó,các doanh nghiệp bưu chính cần lưu ý về một số hành vi xử phạt vi phạm hành chính mới của Nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27/01/2022 của Chính phủ đó là: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi thông báo không đúng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính khi có thay đổi so với hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép bưu chính theo quy định của pháp luật; Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi thông báo không đúng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính khi có thay đổi so với hồ sơ đề nghị cấp văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính; Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi không thông báo vớicơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính khi có thay đổi một trong các nội dung đã thông báo hoạt động bưu chính….; một số hành vi cũ nhưng mức độ xử lý có tính răn đe hơn.

Trong khuôn khổ của Hội nghị, đại diện Vụ Bưu chính đã cung cấp thông tin liên quan đến nền tảng thương mại số xuyên biên giới; khó khăn, thách thức đối với công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bưu chính khi hoạt động thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ dẫn đến việc kinh doanh, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm qua đường bưu chính, chuyển phát nhanh ngày một tinh vi, phức tạp. Vì vậy, các doanh nghiệp bưu chính là đối tượng liên đới, thực hiện các “hành vi” vi phạm, gây mất an ninh, an toàn và ảnh hưởng đến phát triển kinh tế.

Đại diện Vụ Bưu chính đã đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực bưu chính trong thời gian tới như: thu thập dữ liệu, chia sẻ thông tin giữa các bộ, ban, ngành, đồng thời khẳng định việc công bố đánh giá sẽ không xâm phạm đến bí mật kinh doanh và quyền riêng tư của cá nhân; Hoàn thiện Hệ thống mã địa chỉ số cho bưu chính; tăng cường công tác phối hợp giữa các đơn vị liên quan như Bộ Công an, Tổng cục Quản lý thị trường; cung cấp một số văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động bưu chính như: Luật Bưu chính, Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin, Luật Quảng cáo, Luật Cạnh tranh,….

Tại Hội nghị, các đại biểu đại diện doanh nghiệp bưu chính đã trao đổi một số bất cập liên quan đến việc chấp hành quy định của pháp luật hoạt động bưu chính thời kỳ chuyển đổi số, đó là việc sử dụng công nghệ “app” của các doanh nghiệp bưu chính dẫn đến việc không có chứng từ xác nhận việc chấp nhận việc chấp nhận bưu gửi giữa doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính và người gửi (Hợp đồng); Sàn TMĐT phát triển mạnh nên việc mua bán hàng hóa không có hóa đơn chứng từ do đó bưu gửi gửi qua bưu chính phần lớn sẽ không có hóa đơn xuất xứ nguồn gốc,….

Đại diện một số Sở Thông tin và Truyền thông đã chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp bưu chính. Đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước tại địa phương.

Thông qua Hội nghị, các đại biểu tham dự đã nắm bắt được thực trạng về hoạt động bưu chính Việt Nam; tiếp thu được các quy định mới liên quan hoạt động bưu chính và các chế tài xử phạt vi phạm hành chính mới. Hy vọng, trong thời gian tới các doanh nghiệp bưu chính chấp hành tốt các quy định mới của pháp luật nhằm hoạt động kinh doanh ổn định, phát triển và cạnh tranh lành mạnh./.

Trần Thị Thu Hằng