Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Kết quả thanh tra việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước

( Cập nhật lúc: 24/06/2021  )

Từ năm 2012 đến nay, ngay sau khi Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày ngày 13 tháng 6 năm 2011 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước (gọi tắt là Nghị định số 43/2011/NĐ-CP) được Chính phủ ban hành, các cơ quan trên địa bàn tình đã thiết lập Trang/Cổng thông tin điện tử (Cổng TTĐT) của đơn vị mình nhằm cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến. Việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, tiết kiệm thời gian, chi phí, làm cho hoạt động của các cơ quan được minh bạch, hiệu quả, góp phần phòng, chống tham nhũng, cải cách hành chính toàn diện.

Tại Kết luận thanh tra số 844/KL-STTTT ngày 11/6/2021 của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Kạn thìCổng TTĐT cơ bản đã được các đơn vị, địa phương sử dụng trong hoạt động quản lý nhà nước, là phương tiện để cung cấp, trao đổi thông tin chính thức, công khai về các hoạt động của ngành, địa phương theo đúng chức năng, nhiệm vụ trên môi trường mạng Internet. Cung cấp đầy đủ, chính xác và kịp thời các thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ chính trị tuyên truyền, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, các hoạt động, sự kiện thuộc lĩnh vực quản lý của ngành.

Tuy nhiên, các chức năng của cổng như hỗ trợ người khuyết tật, cung cấp dữ liệu đặc tả, chức năng hỗ trợ còn thiếu, chưa đáp ứng quy định tại Nghị định số 43/2011/NĐ-CP. Việc thiết lập các mục thông tin chủ yếu chưa đầy đủ, việc đặt tên mục chưa chính xác, chưa đúng quy định. Các chuyên mục được chia nhỏ và đặt ở các vị trí khác nhau nên người đọc khó theo dõi, tìm kiếm thông tin.Thông tin về tổ chức bộ máy, nhân sự khi có sự thay đổi chưa được cập nhật kịp thời. Các chuyên mục thông tin (Trao đổi - Hỏi đáp, văn bản mới, văn bản pháp quy; văn bản sao lục; bản đồ địa chính) còn dẫn đến đường link cũ không còn giá trị sử dụng; Ban Biên tập một số Cổng TTĐT chưa được kiện toàn kịp thời khi có sự thay đổi về nhân sự; Quy chế chi trả nhuận bút, thù lao chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung khi có văn bản mới ban hành, chưa thiết lập, xây dựng chuyên mục Tiếp cận thông tin theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 13/2018/NĐ-CP.

Nguyên nhân của những hạn chế trên một phần là do công nghệ thông tin phát triển nhanh trong khi các đơn vị thiếu nhân lực và kinh phí để kịp thời nâng cấp, hoạt động. Các văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động của Cổng TTĐT như Nghị định số 43/2011/NĐ-CP đã ban hành từ lâu, khó áp dụng trên thực tế, không có hướng dẫn cụ thể về việc bố trí mục thông tin trên giao diện của Cổng, không có chế tài xử lý cụ thể đối với những quy định đã đặt ra. Thành viên Ban Biên tập hầu hết là công chức kiêm nhiệm, chưa được đào tạo hoặc bồi dưỡng qua các lớp tập huấn nghiệp vụ về báo chí nên chất lượng tin, bài chưa cao. Công chức phụ trách quản trị kỹ thuật chưa được đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ quản trị website. Các đơn vị không bố trí được kinh phí để hoạt động hoặc chi trả nhuận bút, thù lao tương xứng để kịp thời khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức cung cấp tin, bài trên cổng. Công tác hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chưa được thực hiện thường xuyên nhằm chấn chỉnh hoạt động của Cổng TTĐT.

Để hoạt động của Cổng Thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước đạt hiệu quả, Sở Thông tin và Truyền thông đã ban hành Kết luận yêu cầu các cơ quan được thanh tra cần thực hiện các nội dung như:

 Lãnh đạo đơn vị, địa phương cần kịp thời quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị nâng cao nhận thức việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính nhà nước. Coi việc duy trì hoạt động của Cổng TTĐT là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên nhằm cung cấp các thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác;

 Rà soát các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động Cổng TTĐT để kịp thời điều chỉnh lại các Mục, Chuyên mục thông tin chủ yếu cần thiết lập theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 43/2011/NĐ-CP để đảm bảo thông tin được cung cấp dễ tìm kiếm, tra cứu;

 Hoàn thiện, bổ sung, hiệu chỉnh các chức năng chưa đáp ứng theo Nghị định số 43/2011/NĐ-CP;

 Nâng cấp, cập nhật các phiên bản công nghệ, dữ liệu, mã nguồn nhằm hạn chế các rủi ro bị tấn công, đánh cắp dữ liệu;

 Thường xuyên, định kỳ sao lưu dữ liệu ra ổ lưu trữ ngoài không có kết nối Internet;

 Bố trí kinh phí nhằm nâng cấp Cổng để đáp ứng với các chức năng, công nghệ hiện đại và chi trả thù lao, nhuận bút để kịp thời động viên, nâng cao chất lượng tin, bài;

Kiện toàn Ban Biên tập kịp thời khi có sự thay đổi về nhân sự, sửa, đổi, bổ sung hoặc thay thế Quy chế hoạt động của Cổng TTĐT, Quy chế chi trả nhuận bút, thù lao phù hợp với quy định hiện hành;

Không tổng hợp, trích dẫn lại thông tin từ các cơ quan báo chí; chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật về nội dung các thông tin được đăng tải, chia sẻ;

Thực hiện nghiêm việc cung cấp thông tin trên trang chủ của trang thông tin điện tử tổng hợp theo đúng quy định tại Khoản 2 Điều 20 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP; Khoản 3 Điều 2 Thông tư số 09/2014/TT-BTTTT (thông tin về tên của tổ chức quản lý trang thông tin điện tử, cơ quan chủ quản (nếu có), tên người chịu trách nhiệm quản lý nội dung, địa chỉ, số điện thoại, thư điện tử, số giấy phép còn hiệu lực, ngày, tháng, năm cấp, cơ quan cấp phép). Thiết lập mục Thông tin phải công khai trên Cổng Thông tin điện tử và cập nhật các thông tin phải công khai trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin.

Đối với Cổng Thông tin điện tử tổng hợp đã được cấp phép, các cơ quan chủ quản của Cổngcòn cần phải chấp hành theoNghị định số 72/2013/NĐ-CPngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng; có cơ chế quản lý chặt chẽ nguồn tin, bảo đảm chỉ lựa chọn thông tin từ các nguồn tin có nội dung phù hợp với lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của xã hội, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân; tăng cường giám sát đối với thông tin tổng hợp từ các nguồn tin hay để xảy ra sai phạm. Rà soát, hoàn thiện quy trình quản lý thông tin, tăng cường sử dụng các biện pháp kỹ thuật công nghệ và bố trí đội ngũ nhân sự quản lý thông tin có trình độ, năng lực, kinh nghiệm phù hợp với quy mô hoạt động, phạm vi cung cấp thông tin, có năng lực lựa chọn, kiểm tra nội dung tin, bài trước khi đăng tải, tự động phát hiện và loại bỏ ngay thông tin không còn tồn tại ở nguồn tin, những thông tin có nội dung vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP. Chủ động cân đối tỷ lệ thông tin đăng tải trên trang thông tin điện tử tổng hợp, bảo đảm thông tin tích cực là chủ đạo, thông tin tiêu cực, thông tin về mặt trái của xã hội chiếm tỷ lệ không lớn trong số tin, bài được đăng tải. Thận trọng khi dẫn lại nguồn tin từ các báo, tạp chí điện tử không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, thường xuyên bị cơ quan quản lý nhà nước nhắc nhở, xử phạt. Tuân thủ quy định “gỡ bỏ ngay nội dung thông tin đã tổng hợp khi nguồn thông tin được trích dẫn gỡ bỏ thông tin nội dung đó” theo quy định tại Khoản 4 Điều 36 Luật Báo chí năm 2016. Thực hiện nghiêm việc cung cấp thông tin trên trang chủ của trang thông tin điện tử tổng hợp theo đúng quy định tại Khoản 2 Điều 20 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP; Khoản 3 Điều 2 Thông tư số 09/2014/TT-BTTTT.

Đánh giá về môi trường pháp lý của việc cung cấp thông tin thấy rằng, nội dung quy định về cung cấp thông tin theo Nghị định số 43/2011/NĐ-CPcó một số tồn tại, hạn chế thiếu cập nhật so với các quy định văn bảnquy phạm pháp luật ban hành sau này như Luật Tiếp cận thông tin, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Khoa học công nghệ, đồng thời những quy định pháp lý về cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong Nghị định số 43/2011/NĐ-CPcũng còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được xu thế trong việc cung cấp dịch vụ số ngày càng da dạng.Do đó, để bổ sung các quy định mới phù hợp với sự phát triển của thực tiễn và công nghệ, Chính phủ cần ban hành văn bản mới, thay thế Nghị định số 43/2011/NĐ-CP.


Bế Thị Thanh Hoài