Để triển khai thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành, Sở Nội vụ tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Hướng dẫn số 683/HD-SNV ngày 20/5/2024 hướng dẫn một số nội dung về hoạt động thi đua, khen thưởng tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Theo đó, khi tổ chức thực hiện công tác thi đua, khen thưởng, các cơ quan, đơn vị cần lưu ý một số nội dung như sau:
Phong trào thi đua thường xuyên
Được tổ chức cho các đối tượng là các cá nhân, tập thể trong cùng một cơ quan, đơn vị, địa phương hoặc giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương được chia theo cụm, khối thi đua.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao của cá nhân, tập thể để tổ chức phát động thi đua nhằm thực hiện tốt công việc hằng ngày, hằng tháng, hằng quý, hằng năm của cá nhân, tập thể, cơ quan, đơn vị, địa phương. Việc tổ chức phong trào thi đua thường xuyên phải có chương trình, kế hoạch trong đó xác định rõ mục đích, mục tiêu, phạm vi, nội dung, tiêu chí, chỉ tiêu thi đua phải bảo đảm khoa học, phù hợp với thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương và điều kiện, khả năng tham gia của cá nhân, tập thể để phát động thi đua, ký kết giao ước thi đua.
Cơ quan, tổ chức tham mưu, giúp việc về công tác thi đua, khen thưởng các cấp, các ngành căn cứ vào nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, giai đoạn và nhiệm vụ chính trị được giao của cơ quan, đơn vị, địa phương để tham mưu, đề xuất với cấp ủy đảng, chính quyền về chủ trương, nội dung, chương trình, kế hoạch, biện pháp thi đua. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương có trách nhiệm triển khai tổ chức phong trào thi đua thường xuyên; kiểm tra, giám sát phong trào thi đua để thường xuyên đánh giá kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và đề ra các biện pháp khắc phục để chỉ đạo, thực hiện phong trào có hiệu quả trong thời gian tiếp theo; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tôn vinh các gương điển hình tiên tiến đã lập thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua.
Kết thúc năm công tác, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương; Trưởng các cụm, khối thi đua chỉ đạo tiến hành tổng kết và bình xét các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng. Việc bình xét, công nhận danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng phải đảm bảo nguyên tắc xuất phát từ cơ sở, chính xác, công khai, minh bạch, công bằng; kịp thời khen thưởng, đề nghị khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong lao động, sản xuất, học tập, công tác; đặc biệt là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; khuyến khích khen thưởng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang công tác ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn của tỉnh.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương và các cụm, khối thi đua của tỉnh căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch được giao hằng năm, tổ chức phát động thi đua, ký giao ước thi đua phấn đấu hoàn thành, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cơ quan, đơn vị và đăng ký nội dung giao ước thi đua gửi về UBND tỉnh (qua Cơ quan thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh) tổng hợp trước ngày 15/2 hằng năm; Khối thi đua thuộc ngành Giáo dục và Đào tạo gửi trước ngày 30/9 hằng năm.
Phong trào thi đua theo chuyên đề
Được tổ chức cho các đối tượng là cá nhân, tập thể, hộ gia đình; cơ quan, đơn vị, địa phương thi đua nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm hoặc một lĩnh vực cần tập trung được xác định trong khoảng thời gian nhất định để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của cơ quan, đơn vị, địa phương.
Việc tổ chức thi đua theo chuyên đề phải có chương trình, kế hoạch và xác định rõ mục tiêu, phạm vi, đối tượng thi đua; chỉ tiêu, nội dung thi đua; hình thức, tiêu chuẩn khen thưởng. Phong trào thi đua phải có chủ đề, tên gọi, dễ nhớ, dễ hiểu, việc xác định nội dung thi đua, chỉ tiêu thi đua phải đảm bảo khoa học, phù hợp với thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương và điều kiện, khả năng tham gia của cá nhân, tập thể, hộ gia đình. Triển khai nhiều hình thức tuyên truyền, vận động cá nhân, tập thể, hộ gia đình tích cực hưởng ứng, tham gia các phong trào thi đua chuyên đề. Phát hiện nhân tố mới, điển hình tiên tiến để tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng. Tăng cường phổ biến các sáng kiến, kinh nghiệm, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả để cá nhân, tổ chức, hộ gia đình khác học tập và làm theo.
Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên đôn đốc, theo dõi quá trình tổ chức thực hiện; chú trọng công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra đối với phong trào thi đua chuyên đề. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để biểu dương, tôn vinh các gương điển hình tiên tiến đã lập thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua. Khi sơ kết, tổng kết phong trào thi đua chuyên đề, các cơ quan, đơn vị, địa phương có báo đánh giá kết quả của việc tổ chức phong trào thi đua chuyên đề, lựa chọn tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc tiêu biểu để xem xét khen thưởng theo thẩm quyền đồng thời lựa chọn tập thể, hộ gia đình, cá nhân có thành tích xuất sắc đề nghị cấp trên khen thưởng. Khuyến khích khen thưởng cá nhân là đồng bào dân tộc thiểu số, nông dân, công nhân, người yếu thế, khuyết tật,…có thành tích tham gia các phong trào thi đua. Khi tổng kết phong trào thi đua từ 03 năm trở lên các cơ quan, đơn vị địa phương đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh tặng Cờ thi đua của tỉnh cho tập thể dẫn đầu phong trào thi đua theo chuyên đề tương ứng với chỉ tiêu số lượng được giao của từng phong trào thi đua.
Tổ chức và hoạt động của Hội đồng Thi đua, khen thưởng
Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các sở, ngành và tương đương (đơn vị cấp tỉnh) có từ 05 thành viên trở lên, gồm: Chủ tịch Hội đồng là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương; Phó Chủ tịch Hội đồng (hoặc các Phó Chủ tịch) và các ủy viên là đại diện lãnh đạo cấp ủy, các tổ chức đoàn thể, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị cấu thành.
Hội đồng Thi đua - Khen thưởng huyện, thành phố (cấp huyện) có từ 07 thành viên trở lên, gồm: Chủ tịch Hội đồng là Chủ tịch UBND cấp huyện và không quá 03 Phó Chủ tịch Hội đồng, trong đó Trưởng phòng Nội vụ là Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng; các Phó Chủ tịch khác và các ủy viên. Phòng Nội vụ là cơ quan thường trực của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cấp huyện.
Hội đồng Thi đua - Khen thưởng xã, phường, thị trấn (cấp xã) có từ 05 thành viên trở lên, gồm: Chủ tịch Hội đồng là Chủ tịch UBND cấp xã; Phó Chủ tịch Hội đồng và các ủy viên là đại diện cấp ủy, các tổ chức đoàn thể. Ủy viên Thường trực Hội đồng là công chức phụ trách công tác thi đua, khen thưởng.
Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các tổ chức kinh tế (doanh nghiệp, hợp tác xã...) có từ 05 thành viên trở lên, gồm: Chủ tịch Hội đồng là người đứng đầu; Phó Chủ tịch Hội đồng và các ủy viên là đại diện cấp ủy, các tổ chức đoàn thể (nếu có) và người đứng đầu các tổ chức trực thuộc.
Hội đồng Thi đua - Khen thưởng có nhiệm vụ tham mưu tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng; tổ chức các phong trào thi đua yêu nước gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương hoặc nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện công tác thi đua, khen thưởng; phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên tiến; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng. Tham mưu cho Chủ tịch UBND cùng cấp, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị xét tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng theo thẩm quyền hoặc trình cấp trên khen thưởng; thực hiện các nhiệm vụ khác có liên quan đến công tác thi đua, khen thưởng.
Các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng phải được bình xét suy tôn, bỏ phiếu kín của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng, gồm:
1. Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”; “Tập thể lao động xuất sắc”: Phải đạt ít nhất 80% số phiếu tán thành.
2. Bằng khen của tỉnh phải đạt ít nhất 80% số phiếu tán thành (trừ khen thưởng phong trào thi đua chuyên đề, khen thưởng đột xuất, khen thưởng đối ngoại).
3. Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua tỉnh”, “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”, các hình thức khen thưởng cấp Nhà nước (Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương các loại, danh hiệu vinh dự Nhà nước): Phải đạt ít nhất 90% số phiếu tán thành.
4. Các danh hiệu hiệu thi đua, hình thức khen thưởng khác không quy định tỷ lệ kết quả bỏ phiếu của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thì việc bỏ phiếu kín hoặc biểu quyết khi bình xét khen thưởng do Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương xem xét quyết định.
Quy trình, thủ tục, hồ sơ
Việc bình xét khen thưởng đối với tập thể, cá nhân được thực hiện từ cơ sở (các phòng, ban và tương đương đối với các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và các huyện, thành phố; các tổ, khoa, phòng…thuộc các đơn vị sự nghiệp công lập; trường học; xí nghiệp, phân xưởng thuộc các doanh nghiệp; các tổ chức thuộc cấp xã) phải có ít nhất 80% số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia họp xét. Tập thể, cá nhân đạt ít nhất 70% số người tham gia họp nhất trí tán thành (bỏ phiếu hoặc biểu quyết) mới được đề nghị khen thưởng. Cuộc họp bình xét phải được lập biên bản với đầy đủ nội dung liên quan và gửi cấp có thẩm quyền.
Trên cơ sở kết quả bình xét từ cơ sở, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng họp xem xét, bình chọn các tập thể, cá nhân có thành tích theo các tiêu chuẩn khen thưởng. Cuộc họp của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cơ quan, đơn vị phải có ít nhất 2/3 thành viên Hội đồng tham dự. Tập thể, cá nhân đủ tiêu chuẩn được đề nghị khen thưởng phải được các thành viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng bỏ phiếu và đạt số phiếu tán thành theo quy định (thành viên vắng mặt phải xin ý kiến bằng phiếu). Hội đồng lập biên bản kết quả cuộc họp bình xét trình Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng.
Đối với các phong trào thi đua chuyên đề liên quan đến nhiều ngành có thành lập Ban chỉ đạo thì cơ quan thường trực chuyên đề (hoặc được giao chủ trì) phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức xét duyệt và trình khen thưởng; đối với khen thưởng đột xuất, khen thưởng đối ngoại có thành tích công trạng rõ ràng, Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tổ chức thẩm định hồ sơ trình Thủ trưởng cơ quan, đơn vị khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng.
Thủ tục, hồ sơ đề nghị khen thưởng thực hiện theo quy định tại Điều 84 của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 và Điều 33, 34, 36, 37, 40, 42, 43 của Nghị định 98/2023/NĐ-CP ngày 31/12/2023 của Chính phủ và bộ thủ tục hành chính về lĩnh vực thi đua, khen thưởng do Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Chủ tịch UBND tỉnh công bố.
Một số lưu ý khi đề nghị xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng:
Đối với khen thưởng công trạng trong một năm không xét tặng đồng thời danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng cấp tỉnh: "Xã, phường, thị trấn tiêu biểu"; "Tập thể Lao động xuất sắc"; Cờ thi đua của tỉnh; "Chiến sĩ thi đua tỉnh"; Bằng khen cho cùng một đối tượng.
Các tập thể, cá nhân đã được khen thưởng Huân chương, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”, danh hiệu “Chiến sĩ thi đua tỉnh” sau 02 năm mới được đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen theo công trạng nếu đủ tiêu chuẩn khen thưởng; sau 03 năm mới được đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh xét tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua tỉnh” nếu đủ tiêu chuẩn.
Đối với khen thưởng có thành tích đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trước khi đề nghị khen thưởng cơ quan, đơn vị, địa phương có văn bản gửi UBND tỉnh xin chủ trương về đối tượng, số lượng được khen thưởng.
Một sáng kiến, đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được sử dụng một lần khi làm tiêu chuẩn đề nghị xét danh hiệu thi đua thì không được dùng để xét hình thức khen thưởng và ngược lại.
Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trình khen thưởng phải xác nhận thành tích và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thành tích do mình xác nhận.
Căn cứ tiêu chuẩn của các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng, hồ sơ đề nghị khen thưởng phải đảm bảo số lượng, đầy đủ các thủ tục liên quan và chứng minh đạt được tiêu chuẩn khen thưởng theo quy định. Trong trường hợp đề nghị danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” phải có chứng nhận hoặc xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối với sáng kiến hoặc đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ hoặc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đối với danh hiệu "Chiến sĩ thi đua tỉnh" phải có giấy chứng nhận hoặc xác nhận của người đứng đầu tỉnh về sáng kiến đã được áp dụng hiệu quả và có khả năng nhân rộng trong tỉnh hoặc có đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu và áp dụng hiệu quả, có phạm vi ảnh hưởng trong tỉnh. Báo cáo thành tích của cá nhân, tập thể được đề nghị khen thưởng theo công trạng phải phù hợp với hình thức khen thưởng theo quy định. Trong báo cáo phải ghi cụ thể số quyết định, ngày, tháng, năm hoặc văn bản xác nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc hoàn thành tốt nhiệm vụ của cấp có thẩm quyền trong thời gian tính thành tích khen thưởng của cá nhân, tập thể đề nghị khen thưởng (đối với các trường hợp đề nghị khen thưởng theo tiêu chuẩn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ); số quyết định, ngày, tháng, năm được tặng thưởng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng (trừ trường hợp khen thưởng theo thủ tục đơn giản). Báo cáo thành tích đề nghị khen thưởng của cá nhân, tập thể, hộ gia đình ngoài việc thể hiện thành tích đáp ứng theo tiêu chuẩn quy định còn phải thể hiện việc chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước theo mẫu tại Phụ lục I Nghị định số 98/2023/NĐ/NĐ-CP của Chính phủ.
Khi đề nghị khen thưởng doanh nghiệp, Giám đốc doanh nghiệp phải có các giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, bảo hiểm đối với người lao động, bảo đảm môi trường đến thời điểm đề nghị khen thưởng.
Không khen thưởng các trường hợp nộp hồ sơ đề nghị khen thưởng muộn so với quy định (trừ trường hợp có lý do chính đáng), báo cáo thành tích không đúng mẫu hoặc không nêu bật được thành tích xuất sắc, tiêu biểu đề nghị khen thưởng.
Hồ sơ đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước: Các cơ quan, đơn vị, địa phương gửi qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại Sở Nội vụ tỉnh Bắc Kạn.
Hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng cấp tỉnh: Các cơ quan, đơn vị, địa phương nộp hồ sơ trên Cổng Dịch vụ công cấp tỉnh.
XemHướng dẫn số 683/HD-SNV tại đây.