Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Kết quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ năm 2021, 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn

( Cập nhật lúc: 28/07/2023  )

Theo Báo cáo số 478/BC-UBND ngày 19/7/2023 của UBND tỉnh Bắc Kạn về kết quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ. Từ năm 2021 đến 6 tháng đầu năm 2023, các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện 204 cuộc thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ tại 546 đơn vị.

Về thanh tra hoạt động công vụ: Đã có 39 cuộc thanh tra có liên quan đến hoạt động công vụ được tiến hành tại 116 đơn vị. Nội dung thanh tra tập trung trên các lĩnh vực như: Công tác quản lý và sử dụng công chức, viên chức, người lao động; công tác bổ nhiệm công chức, viên chức lãnh đạo quản lý; số lượng công chức, viên chức lãnh đạo quản lý; việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế; công tác văn thư, lưu trữ; việc thực hiện chính sách tiền lương; công tác giải quyết thủ tục hành chính; tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức; công tác thi đua khen thưởng; công tác tín ngưỡng, tôn giáo; việc thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; việc thực hiện trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo...

Về kiểm tra hoạt động công vụ: Đã có 163 cuộc kiểm tra có liên quan đến hoạt động công vụ tại 428 đơn vị. Nội dung kiểm tra trên liên quan đến công tác cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, thực hiện đạo đức công vụ; việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao...

Về giám sát hoạt động công vụ: Có 02 cuộc giám sát hoạt động công vụ được Ban Dân tộc thực hiện trực tiếp. Đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương, hoạt động giám sát việc thực thi nhiệm vụ, công vụ được thực hiện chủ yếu là lồng ghép thông qua hoạt động giám sát của cấp ủy các cấp.

Qua thanh tra, kiểm tra, giám sát, các cơ quan chức năng đã phát hiện những vi phạm chủ yếu như sau:

Về công tác thanh tra công vụ: Đối với thanh tra trách nhiệm, còn một số đơn vị thực hiện quy trình tiếp công dân chưa đảm bảo đúng quy định, chưa bố trí kinh phí chi trả chế độ bồi dưỡng đối với người làm nhiệm vụ tiếp công dân; ban hành quy chế về định mức tiêu chuẩn chưa đầy đủ; thanh quyết toán vượt định mức, tiêu chuẩn. Đối với thanh tra về lĩnh vực nội vụ, vi phạm chủ yếu nhưcông tác quản lý và sử dụng công chức, viên chức, người lao động; công tác bổ nhiệm công chức, viên chức lãnh đạo quản lý; số lượng công chức, viên chức lãnh đạo quản lý; việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế; công tác văn thư, lưu trữ; việc thực hiện chính sách tiền lương; công tác giải quyết thủ tục hành chính; tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức; công tác thi đua khen thưởng thực hiện chưa đảm bảo theo quy định...

Về công tác kiểm tra công vụ:Vẫn còn hiện tượng một số cán bộ, công chức, viên chức chưa chấp hành nghiêm chỉnh một số nội dung về kỷ cương hành chính cũng như còn để tình trạng xử lý thủ tục hành chính quá hạn trên phần mềm điện tử; còn có công chức chưa chấp hành nghiêm túc giờ giấc làm việc

Qua thanh tra, kiểm tra hoạt động công vụ đã kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 44,237 triệu đồng; kiến nghị xem xét trách nhiệm của 42 tổ chức và 07 cá nhân; kiến nghị hoàn thiện 05 văn bản về cơ chế, chính sách.

Nhằm nâng cao chất lượng thực thi công vụ trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã đưa ra 02 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới.

Nhóm nhiệm vụ, giải pháp về thực thi công vụ yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục tăng cường các giải pháp trong lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của chính quyền các cấp, các cơ quan hành chính nhà nước, trong đó tăng cường giám sát, kiểm tra, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ, trong công tác cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính. Đồng thời, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện các chuẩn mực đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp; nội quy, quy chế làm việc, quy chế văn hóa công sở trong thực thi công vụ. Tăng cường sự lãnh đạo chỉ đạo việc bổ sung, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức với phương châm “sát chức năng, nhiệm vụ, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện và đánh giá việc thực hiện”; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện bảo đảm công khai, minh bạch.

Đổi mới và cải cách công tác quản lý cán bộ, công chức trong tất cả các khâu từ tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng, đánh giá và giải quyết các chính sách, chế độ theo đúng các nguyên tắc trong thi hành công vụ như: Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền và có sự kiểm tra, giám sát... để giảm thiểu tối đa các tiêu cực phát sinh trong hoạt động công vụ.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các kết luận, nghị quyết, chỉ thị về công tác cán bộ. Kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong cán bộ, công chức, viên chức; kịp thời phát hiện, điều chỉnh, bổ sung những hạn chế, thiếu sót và xử lý nghiêm minh những công chức, viên chức vi phạm góp phần đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng lãng phí, tiêu cực.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về kỷ luật, kỷ cương hành chính; về thực hiện nếp sống văn hóa công sở; về trách nhiệm và đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức khi thi hành nhiệm vụ. Nhất là trong giải quyết các thủ tục hành chính; xử lý nghiêm những hành vi gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp đồng thời khen thưởng, biểu dương kịp thời đối với những cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả.

Nhóm nhiệm vụ, giải pháp về thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ yêu cầu các cơ quan hành chính Nhà nước cần thực hiện thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm. Đẩy mạnh thực hiện thanh tra trách nhiệmtrong hoạt động công vụ của các cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước. Hoạt động thanh tra, kiểm tra cần hướng đến đạt được mục đích phát hiện những sơ hở trong cơ chế, chính sách và kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền các biện pháp khắc phục. Tập trung thực hiện chức năng thanh tra hành chính với những nội dung cụ thể để thực hiện giám sát hành chính, có thay đổi phương thức là theo dõi thường xuyên hơn, tạo cơ sở để đưa vào kế hoạch thanh tra hay thực hiện thanh tra đột xuất khi phát hiện các vi phạm cụ thể.

Tăng cường việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong nội bộ các cơ quan nhà nước. Nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra. Tổng kết, rút kinh nghiệm sau các đợt thanh tra, kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh, sửa chữa những phương pháp, cách thức thực hiện chưa hợp lý, chưa hiệu quả. Đồng thời cử công chức tham gia các khóa đào tạo nghiệp vụ về thanh tra, kiểm tra công vụ để không ngừng nâng cao năng lực và hiệu quả thực hiện nhiệm vụ được giao.

Xem Báo cáo số 478/BC-UBND tại đây.

Nguyễn Thị Lệ Thu